Thực tiễn này cho thấy, qua 40 năm đổi mới ở Thủ đô Hà Nội chứng minh tính đúng đắn của quá trình phát triển nhận thức và tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Vị thế Thủ đô ngày càng được nâng cao
Theo Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong, qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, những thành tựu lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Thủ đô Hà Nội được thể hiện tập trung trong các Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội và chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội từ khóa X – XVII.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ X (1986) - là Đại hội mở đầu cho công cuộc đổi mới ở Hà Nội. Đại hội đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn Hà Nội theo hướng vừa xây dựng cơ chế chính sách đổi mới, vừa lựa chọn bước đi phù hợp để tổ chức triển khai hướng đến ổn định tình hình kinh tế – xã hội của Thủ đô theo hướng chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, từ tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
Đến Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII (2020) tiếp tục xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và giao Thành ủy Hà Nội tập trung xây dựng 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XVII để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội trong giai đoạn 2020 – 2025 và các chỉ tiêu, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Có thể thấy, thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội qua 40 năm đổi mới ở Thủ đô Hà Nội chứng minh tính đúng đắn của quá trình phát triển nhận thức và tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Theo Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong, 40 đổi mới so với lịch sử Đảng bộ TP Hà Nội là không dài song đã ghi dấu ấn một giai đoạn đầy khó khăn, thử thách với nhiều dấu ấn nổi bật. Cụ thể, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở Thủ đô luôn được Đảng bộ TP coi trọng, nâng cao chất lượng. Hệ thống chính trị từ TP tới cơ sở không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo.
Kinh tế Thủ đô từ nền kinh tế bao cấp theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu đã từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Nhờ đó, Thủ đô Hà Nội nhanh chóng ra khỏi khủng hoảng thiếu, thoát khỏi Thủ đô nghèo và vị thế ngày càng được nâng cao. Kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục từ năm 1986 đến nay và năng suất lao động ngày càng tăng (đạt bình quân trên 7%/năm).
Văn hóa – xã hội sau gần 40 năm đổi mới từ lý luận và thực tiễn có thể khẳng định trên lĩnh vực phát triển văn hóa và xây dựng con người, Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, khá toàn diện, sâu sắc và nổi bật trên một số mặt. An sinh xã hội được đảm bảo, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc các đối tượng chính sách xã hội. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn TP Hà Nội giảm còn 0,03%; tỷ lệ hộ cận nghèo 0,7%.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có nhiều đổi mới, sáng tạo, sát với tình hình thực tiễn. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và toàn dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô được nâng lên. Công tác đối ngoại của TP Hà Nội đã có những bước chuyển mình tích cực. Đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Phát huy các nguồn lực, động lực phát triển mới
Từ những kết quả mà Thủ đô Hà Nội đã đạt được qua 40 năm đổi mới, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Bùi Nhật Quang đánh giá, thực tế cho thấy, những thành tựu mà Thủ đô Hà Nội đạt được sau gần 40 năm đổi mới rất to lớn và toàn diện. Thủ đô đã có những bước tiến vượt bậc trên các mặt phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Những thành tựu mà Hà Nội đạt được sẽ là những kinh nghiệm quý báu để các địa phương tham khảo và áp dụng phù hợp với thực tiễn. Đây cũng là những cơ sở dữ liệu quý báu để T.Ư tham khảo và hoàn thiện báo cáo tổng kết 40 năm thực hiện đường lối đổi mới.
Bên cạnh những kết quả quan trọng, toàn diện đã đạt được, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư cho rằng, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, quá tải về cơ sở hạ tầng... Tuy nhiên, với truyền thống đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh tiên phong, gương mẫu, Đảng bộ Thủ đô đang từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp quan trọng vào những thành tích chung của cả nước.
Theo nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Mỳ, trong số các chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy Hà Nội các nhiệm kỳ, nhất là những nhiệm kỳ gần đây luôn có một chương trình riêng về phát triển văn hóa. Điều này đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thành ủy Hà Nội với lĩnh vực này.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XVII, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, năng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dụng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Đáng chú ý, Thành ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cho thấy tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Theo nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Mỳ, tập trung phát triển văn hóa và coi văn hóa là động lực để Thủ đô phát triển là một trong những chủ trương đúng đắn mà Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện. Khi ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng sẽ thức đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Qua đó từng bước đưa Thủ đô Hà Nội nằm trong nhóm các TP có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu.
Trong phát biểu tại Hội nghị tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô do Thành uỷ Hà Nội tổ chức mới đây, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, qua 40 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong thực hiện đường lối đổi mới, mang lại những thành tựu to lớn, hết sức quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, những mặt tích cực là cơ bản thì cũng còn không ít hạn chế, tồn tại và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ ra rằng, để tiếp tục đưa Hà Nội phát triển mạnh trong tương lai, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô sẽ tập trung phát triển kinh tế - xã hội, huy động và phát huy các nguồn lực, động lực phát triển mới, nhất là nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa.
Ngoài ra, quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế. Tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh...