Hà Nội đặt mục tiêu tăng GRDP năm 2021 là 7,5%

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 7/12, HĐND Thành phố đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của thành phố Hà Nội.

23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu
Với 100% đại biểu HĐND TP khóa XV có mặt tán thành, HĐND TP thông qua Nghị quyết về tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2020 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 của TP.
 Chiều 7/12, HĐND Thành phố đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của thành phố Hà Nội.
Theo Nghị quyết, mục tiêu chung năm 2021 của thành phố Hà Nội là lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển mạnh văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã nội, nâng cao đời sống người dân. Tăng cường quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật...

Nghị quyết thông qua với với 23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, GRDP tăng khoảng 7,5%; vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 85 trường; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch 85%; số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã...

Dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố cũng xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, chỉ đạo, điều hành quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm; triển khai thực hiện tốt 02 Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và đảm bảo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19. Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế Thủ đô dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
 Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn trình bày báo cáo tại kỳ họp.
Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi, nâng cao đời sống của người dân. Tăng cường xây dựng và quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tiếp tục cải cách hành chính; công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Cần có giải pháp hỗ trợ các DN gặp khó khăn
Trước khi thông qua Nghị quyết, các đại biểu thảo luận về nội dung này, trong đó, ĐB Nguyễn Văn Thắng (tổ ĐB quận Tây Hồ) đề nghị TP cần có báo cáo đánh giá đầu tư trung hạn 2016 – 2021 để phân tích đánh giá đầu tư sự phát triển của TP.
Đặc biệt là tìm ra những nguyên nhân chủ quan về sự quản lý, chỉ đạo điều hành của TP, để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong thời gian tới. ĐB thấy rằng còn nhiều dự án chưa được thông qua hoặc đề ra nhưng chậm triển khai, nhất là những vấn đề dân sinh bức xúc, được Nhân dân mong mỏi như quản lý trật tự đô thị, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường của TP. Ngoài ra, TP cũng cần sâu sát quận huyện đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP như vấn về đầu tư, quy hoạch, GPMB…
ĐB Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị cần đánh giá việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội cho các quận huyện theo Quyết định 41 của UBND TP có hiệu lực thi hành từ năm 2017.
ĐB Phạm Đình Đoàn (Tổ ĐB Hoàng Mai) cho rằng, trong thời gian qua, chúng ta ghi nhận cộng đồng DN vượt khó trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, do “sức khỏe” của cộng đồng DN không tốt, nhiều DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên TP cần sâu sát, có các giải pháp phù hợp. Về lâu dài, nếu như DN phá sản thì những năm kế tiếp, TP sẽ khó có thể thu vượt mức như năm vừa rồi.
Với khó khăn của cộng đồng DN, chúng ta cần có các giải pháp hỗ trợ các DN gặp khó khăn, hoàn thiện mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng phù hợp cho các DN nội địa. Cùng đó, sớm thực hiện hóa chủ trương DN tư nhân để tiếp cận nguồn vốn vay ODA. Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ TP chọn cải cách thể chế là một trong 3 khâu đột phá, thì nhân sự là vấn đề then chốt; cần công khai, minh bạch, trọng dụng đội ngũ nhân tài, chất lượng cao, có cơ chế thu hút nhân tài. Ngoài ra, TP thành lập cơ quan giám sát tiến trình cắt giảm các rào cản kinh doanh. Với xu thế dịch chuyển đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Hà Nội là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài nên chúng ta cần tận dụng, đón nhận các nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư.
  ĐB Nguyễn Văn Thắng (tổ ĐB quận Tây Hồ)
ĐB Phạm Hải Hoa (tổ ĐB huyện Phú Xuyên) đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, sự chỉ đạo kịp thời, sáng tạo của TP, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.Đề cập đến sự phát triển nông thôn mới ở Thủ đô, ĐB Phạm Hải Hoa cho rằng cần quan tâm đến phát triển nông nghiệp Thủ đô. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, chưa có thế mạnh trong các sản phẩm nông nghiệp,…
ĐB đề xuất UBND TP có ý kiến với Quốc hội để sửa đổi luật Đất đai và các luật chuyên ngành liên quan để tháo gỡ điểm nghẽn cơ chế chính sách về đất đai, tạo điều kiện cho các DN và người dân đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Cho rằng một số chính sách phát triển nông nghiệp còn khó tiếp cận, ĐB đề nghị rà soát lại các chính sách để tìm được đầu ra cho phát triển các sản phẩm nông nghiệp thuận lợi hơn.
Về nguồn nhân lực, ĐB Phạm Hải Hoa đề nghị TP có chính sách tạo điều kiện, tạo đòn bẩy thu hút trí thức trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng trung tâm hoặc khu nông nghiệp công nghệ cao, để nơi đây là địa chỉ tin cậy của các hợp tác xã, hộ nông dân, khuyến khích nông dân, nhất là những người trẻ khởi nghiệp. Ngoài ra, TP cũng cần khắc phục ô nhiễm môi trường các dòng sông, nâng cao chất lượng sống của người nông dân và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.