Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh nội dung trên khi trao đổi với phóng viên Kinh tế và Đô thị xung quanh vấn đề quản lý, sử dụng đất nông nghiệp bỏ hoang, không canh tác.
60% diện tích lúa Xuân sử dụng giống chất lượng cao
Cùng với nhiều tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Hà Nội đang tổ chức gieo cấy lúa Xuân 2023. Tiến độ đến nay ra sao, thưa ông?
- Vụ Xuân 2023, Hà Nội tổ chức gieo cấy khoảng 82.000ha lúa. Sau khi có nước, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động bà con xuống đồng lấy nước, đổ ải. Đến nay, toàn TP đã hoàn thành gieo cấy lúa được khoảng 85% tổng diện tích theo kế hoạch. TP Hà Nội phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa Xuân 2023 trong tháng 2 và chậm nhất là đầu tháng 3/2023.
Đối với những diện tích gặp khó về nguồn nước, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có giải pháp như thế nào?
- Thực tế, trong những năm gần đây, có một số diện tích gieo cấy lúa vụ Xuân gặp khó khăn hơn về nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước phục vụ tưới dưỡng, tập trung tại các huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì… Dù vụ Xuân 2023, nguồn nước phục vụ sản xuất cơ bản đảm bảo; tuy nhiên ngay từ đầu vụ, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có phương án ứng phó phù hợp với diễn biến nguồn nước. Theo đó, đối với những diện tích gặp khó khăn về nguồn nước, Sở NN&PTNT đề nghị chính quyền các địa phương chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn để bảo đảm canh tác hết diện tích nông nghiệp trong vụ Xuân 2023.
Để nâng cao giá trị cây lúa trong vụ Xuân 2023, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có những giải pháp gì, thưa ông?
- Vụ Xuân là mùa vụ sản xuất rất quan trọng trong năm. Chính vì vậy, bên cạnh tuyên truyền, vận động để bà con gieo cấy hết diện tích theo kế hoạch, Sở NN&PTNT Hà Nội đặc biệt quan tâm, chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với chính quyền cơ sở tăng cường hướng dẫn chăm sóc để bảo đảm lúa Xuân sinh trưởng, phát triển tốt.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng hỗ trợ, khuyến khích việc sử dụng các giống lúa mới, tiên tiến, để nâng cao năng suất, chất lượng gạo. Như trong vụ Xuân 2023, có hơn 60% diện tích gieo cấy sử dụng giống lúa chất lượng cao. Điều này không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực mà còn mang đến cho người tiêu dùng Thủ đô những loại lương thực tốt nhất.
Có thể thu hồi đất nông nghiệp không canh tác
Những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội có tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, bà con không canh tác. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Đúng là trong những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội vẫn có những diện tích đất nông nghiệp không canh tác từ 1 - 2 vụ trong năm. Những diện tích này chủ yếu là đất xen két, nằm trong khu vực quy hoạch phát triển các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội, hoặc những diện tích gặp khó khăn về nguồn nước… Đây là tình trạng chung,tại tỉnh, TP khác có tốc độ đô thị hoá cao cũng đang gặp phải.
Sở NN&PTNT Hà Nội đã có giải pháp gì nhằm hạn chế tình trạng trên, thưa ông?
- Sở NN&PTNT Hà Nội thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương để tiến hành rà soát những diện tích không sản xuất nông nghiệp hàng năm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nhất là về Luật Trồng trọt, để bà con nông dân biết, thực hiện.
Đối với những diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, không canh tác trong 1 năm, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ đề xuất xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp đất bị bỏ hoang hai năm liên tiếp, Sở có thể xem xét, đề xuất thu hồi để giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Điều này nhằm sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, không để lãng phí tư liệu sản xuất của người dân.
Xin cảm ơn ông!
Bên cạnh hơn 81.000ha lúa, vụ Xuân 2023, Hà Nội dự kiến gieo trồng khoảng 21.000ha các loại cây trồng khác, trong đó, riêng diện tích các loại rau củ vào khoảng 9.400ha, còn lại là hoa - cây canh, ngô, lạc, đậu tương. Thời vụ gieo trồng trong tháng 3/2023.