Chiều 10/12, tại Kỳ họp thứ 20 của HĐND TP Hà Nội, thay mặt UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đã phát biểu giải trình và tiếp thu ý kiến thảo luận về các nội dung trình HĐND TP.
Có những điểm sáng nổi bật trong tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội
Trước đó, chiều 9/12, thảo luận tại các tổ, đã có 40 lượt đại biểu phát biểu, thể hiện trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu HĐND TP. Các đại biểu đều thống nhất đánh giá với sự tập trung, đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện, sự nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự tin tưởng, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội của Hà Nội trong năm 2024 có những điểm sáng nổi bật. Các đại biểu cũng đề nghị quan tâm đánh giá phân tích rõ thêm một số nội dung đánh giá rõ các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra các bài học kinh nghiệm để từ đó đề xuất các giải pháp khả thi giải quyết những tồn tại này trong năm 2025.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, TP Hà Nội đã tập trung đánh giá các nguyên nhân, làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan và rút ra các bài học kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo, điều hành. Về chủ quan, công tác phối hợp, đặc biệt phối hợp liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính trong nội bộ các sở ngành và các quận huyện còn nhiều bất cập, tinh thần thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế.
“Trong 5 bài học kinh nghiệm rút ra, bài học rất quan trọng là giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát. Đặc biệt là tập trung ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ; công khai minh bạch; “vì việc tìm người” và tìm người phù hợp” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ
Nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, các tồn tại hạn chế được chỉ ra, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, TP Hà Nội xác định 7 nhóm nhiệm vụ. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là thực hiện quan điểm xuyên suốt “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ” và là trung tâm của mọi chính sách.
Trong đó, Hà Nội tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, giao thông công cộng, hạ tầng các khu công nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh học; hạ tầng khung các thành phố thuộc Thủ đô như triển khai sớm tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao - Hòa Lạc, xây dựng các cầu qua sông Hồng… gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, an toàn cho người dân Thủ đô với mục tiêu phát triển bền vững.
Cùng với đó, TP Hà Nội quyết tâm cao nhất, tập trung cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024; đổi mới tư duy, có giải pháp thông minh, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng GRDP, tập trung phát triển các mô hình kinh tế mới hiệu quả để phát huy vai trò động lực tăng trưởng thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Trong đó, TP đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân tối đa nguồn vốn đầu tư công, huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển. Tập trung đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án lớn, công trình trọng điểm có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, tạo thêm năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế. Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư xã hội, Nhà nước chỉ đầu tư những gì tư nhân không làm được.
Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Thu hút, củng cố, nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, nhất là các công nghệ cao, công nghệ sinh học để thu hút đầu tư đối với các dự án mới có quy mô lớn, công nghệ cao của các tập đoàn lớn tạo nhân tố mới cho tăng trưởng đột phá.
Nhiệm vụ quan trọng khác là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 của Chính phủ, gắn với chuyển đổi xanh, coi đây là chìa khóa để đột phá, bứt tốc phát triển bền vững; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ hiện đại, thông minh và kết nối, tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường.
Xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, Hà Nội tiếp tục quán triệt và thực hiện công tác tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, minh bạch, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội”.
Về chống lãng phí, TP tập trung quản lý tài chính ngân sách hiệu quả; tối ưu hóa quản lý tài sản công; nâng cao hiệu quả đầu tư công; nâng cao ý thức và trách nhiệm trong quản lý nhà nước; thúc đẩy xã hội hóa và hợp tác công tư và tăng cường sử dụng các nguồn lực tự nhiên và tài nguyên.
Hà Nội cũng xác định nhiệm vụ tiếp tục làm tốt công tác phối hợp giữa UBND TP với Thường trực HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội TP, các Ban của HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức thành viên; nâng cao vai trò của mỗi cơ quan trong việc giám sát, phản biện; nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri theo quy định; tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng ứng dụng iHanoi để tiếp nhận phản ánh, xử lý các kiến nghị, tăng tương tác giữa chính quyền với người dân, nâng cao hài lòng cho người dân Thủ đô.
Nhất trí với nội dung giải trình của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, đại biểu HĐND TP đề nghị UBND TP quan tâm thêm 2 nội dung. Cụ thể, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của TP vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nên tới đây TP nên có hướng dẫn cụ thể để các cơ quan liên quan thực hiện chủ trương này nhằm tăng thu, chống lãng phí. Bên cạnh đó, trên địa bàn Hà Nội hiện có thực trạng nhiều người dân có thể sống ổn định từ 30-40 năm nhưng khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thì lại không có giấy tờ để nhận đền bù; giá trị đền bù tài sản trên khu đất không đủ để họ mua nhà ở xã hội, nhà tái định cư. Do đó, đại biểu kiến nghị TP có cơ chế đặc thù đối với các đối tượng yếu thế, người dân không đủ năng lực tài chính nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án.