Theo đó, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác kêu gọi, thu hút đầu tư các loại hình thương mại gồm: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm phù hợp với quy hoạch. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố.
Toàn thành phố phấn đấu phát triển 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi, góp phần đưa ngành thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Hà Nội. Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố sẽ đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, quản lý, kinh doanh khai thác các chợ trên địa bàn, giải tỏa và sắp xếp chợ cóc, chợ tạm.
Thành phố cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ để tạo đột phá trong phát triển thương mại - dịch vụ trên cơ sở mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình, nâng cao chất lượng, tương xứng với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của vùng và cả nước; đẩy nhanh thủ tục đầu tư xây dựng một số trung tâm thương mại tại các quận Tây Hồ, Hoàng Mai… theo quy định pháp luật hiện hành.
Thời gian qua, UBND TP đã quyết liệt chỉ đạo và có các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn thành phố nói chung, trong đó có hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện lợi.
Kết quả, năm 2021, trên địa bàn thành phố đã thực hiện đầu tư đưa vào kinh doanh, khai thác 2 chợ, 2 trung tâm thương mại, 2 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi.
Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện không hoàn thành mục tiêu đề ra. Những khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến cơ chế, chính sách, quy hoạch, đất đai, nguồn vốn đầu tư, cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư và do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên công tác kêu gọi xã hội hóa đầu tư còn hạn chế.