Hà Nội: Đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền

Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Cục Thuế Hà Nội cho biết, việc thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được triển khai theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (15/12/2022 đến ngày 31/3/2023). Giai đoạn 2, Cục Thuế Hà Nội dự kiến triển khai đối với 2.538 doanh nghiệp, hộ kinh doanh...

Từ ngày 1/4 đến ngày 31/12/2023, Cục Thuế TP Hà Nội triển khai giai đoạn 2 thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, dự kiến với hơn 2.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa sử dụng máy tính tiền/phần mềm bán hàng. Ảnh: Thanh Tùng 
Từ ngày 1/4 đến ngày 31/12/2023, Cục Thuế TP Hà Nội triển khai giai đoạn 2 thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, dự kiến với hơn 2.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa sử dụng máy tính tiền/phần mềm bán hàng. Ảnh: Thanh Tùng 

Quản lý doanh thu thực của người bán

Ngày 1/3/2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc triển khai sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn TP.

Chỉ thị nêu rõ, thực hiện Luật Quản lý thuế năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9 2021 của Bộ Tài chính hưởng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/ND-CP, UBND Thành phố đã có các văn bản: Quyết định số 4392/QD-UBND ngày 07/10/2021 về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai hóa đơn điện tử trên địa bản Thành phố; Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 20/10/2021 về việc triển khai hóa đơn điện tử trên địa bản Thành phố.

Công văn số 3125/UBND-KTTH ngày 23/9/2022 về việc triển khai Chương trình "Hóa đơn may mắn" bao gồm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền. Quyết định số 3615/QĐ-UBND ngày 03/10/2022 về việc thành lập Hội đồng giám sát Chương trình "Hóa đơn may mắn", nhằm khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa dịch vụ.

Để tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng có thời gian hoạt động thường xuyên, liên tục như hoạt động kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn; dịch vụ vui chơi, giải trí, kinh doanh vàng, bạc... có thể xuất hóa đơn ngay cho khách hàng kể cả ngoài giờ hay đêm khuya, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng cần hóa đơn để bảo đảm các quyền lợi người tiêu dùng, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã ban hành Quy trình quản lý hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đồng thời xây dựng giải pháp và chính thức vận hành Hệ thống hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ ngày 15/12/2022.

Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được áp dụng đối với người nộp thuế hoạt động trong 5 lĩnh vực ngành nghề: Kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn; bán lẻ hàng hóa (trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ hàng tiêu dùng). Bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ khác (dịch vụ vui chơi giải trí, vé cầu đường, vé xe buýt, vé tham quan, du lịch...). Kinh doanh vàng, bạc.

Triển khai đối với 2.538 doanh nghiệp, hộ kinh doanh

Cục Thuế Hà Nội hiện quản lý 195.000 doanh nghiệp, 186.000 hộ kinh doanh, trong đó theo thống kê ban đầu có 5.838 doanh nghiệp, hộ kinh doanh (nộp thuế theo phương pháp kê khai) kinh doanh trong 5 lĩnh vực ngành nghề trên.

Số thu ngân sách năm 2022 các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong 5 lĩnh vực trên là 4.180 tỷ đồng, chiếm 1,36% tổng thu ngân sách, 6,5% số thu ngoài quốc doanh.

Việc thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được triển khai theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (15/12/2022 đến ngày 31/3/2023): Triển khai đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai đang hoạt động trên 5 nhóm ngành nghề kinh doanh quy định nêu trên đang sử dụng máy tính tiền/phần mềm quản lý bán hàng.

Qua rà soát, tại địa bàn Hà Nội xác định có 3.300 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Cục Thuế Hà Nội xác định mục tiêu hoàn thành 100% các trường hợp trên trước 31/3/2023.

Giai đoạn 2 (từ ngày 1/4 đến ngày 31/12/2023): Triển khai đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai đang hoạt động trên 5 nhóm ngành nghề kinh doanh quy định nhưng chưa sử dụng máy tính tiền/phần mềm quản lý bán hàng.

Với việc triển khai các giải pháp như rà soát đối tượng. Tập huấn hướng dẫn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tuyên truyền… giai đoạn 1, Cục Thuế Hà Nội đã hướng dẫn 3.300 doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc 5 nhóm ngành nghề, có sử dụng máy tính tiền/phần mềm bán hàng đăng ký triển khai thành công trên hệ thống hóa đơn điện tử của cơ quan thuế.

Giai đoạn 2, Cục Thuế Hà Nội dự kiến triển khai đối với 2.538 doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc 5 nhóm ngành nghề, nhưng chưa sử dụng máy tính tiền/phần mềm bán hàng.

Đến nay, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục hướng dẫn 1.723 doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc giai đoạn này tiếp cận sử dụng máy tính tiền/phần mềm bán hàng và đăng ký triển khai thành công trên hệ thống hóa đơn điện tử của cơ quan thuế.

Theo lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội, việc triển khai giai đoạn 1 gặp nhiều thuận lợi do đối tượng triển khai là nhóm doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã sử dụng máy tính tiền/phần mềm bán hàng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý doanh thu, đồng thời cũng là nhóm đối tượng có ý thức tốt trong việc chấp hành pháp luật.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2, việc triển khai gặp khó khăn hơn do quy định pháp lý hiện hành chưa có quy định bắt buộc về việc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Một số đơn vị chưa có nhu cầu sử dụng máy tính tiền/ phần mềm bán hàng, việc triển khai sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cũng làm phát sinh một số vướng mắc về chi phí, phương án chuyển đổi dữ liệu dẫn đến các đơn vị còn từ chối trong việc thay đổi phương thức quản lý…

Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Nguyễn Anh Dũng cho biết, xác định nội dung triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số trong năm 2023 nên ngay từ những ngày đầu triển khai, Cục Thuế TP Hà Nội đã lập kế hoạch, phân công, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung thực hiện đồng loạt và thống nhất nhằm đảm bảo công tác triển khai đạt kết quả tốt nhất.

Cục Thuế TP đã rà soát, lập danh sách doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc đối tượng sử dụng máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế. Đồng thời, tổ chức các hội nghị tập huấn, trao đổi 3 bên giữa cơ quan Thuế, nhà cung cấp giải pháp và người nộp thuế.