Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đẩy mạnh truyền thông Dự thảo Luật Thủ đô trên các nền tảng số

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về đẩy mạnh thông tin, truyền thông Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm phổ biến rộng rãi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đến các tổ chức và Nhân dân để tạo sự thống nhất và đồng thuận của các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, Nhân dân trong và ngoài nước về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Qua đó, hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi), góp phần thúc đẩy hiện thực hoá các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm việc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và TP Hà Nội về tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hôm 25/1
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm việc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và TP Hà Nội về tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hôm 25/1

Cùng đó, giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời chính sách, pháp luật từ khâu soạn thảo, xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đến khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua và triển khai thi hành.

UBND Thành phố yêu cầu các hoạt động thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến cần bảo đảm hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, đa dạng, phong phú hình thức thực hiện; thông tin kịp thời, ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu, chính xác.

Theo lế hoạch, UBND Thành phố đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy định hướng các cơ quan báo, đài thực hiện truyền thông dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Sở Thông tin và truyền thông hướng dẫn các cơ quan báo chí Thành phố, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương ký Chương trình phối hợp công tác với Thành phố; chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở truyền thông dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). UBND Thành phố (Văn phòng UBND Thành phố) tổ chức họp báo, cung cấp thông tin về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng nhiều chương trình truyền thông về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trên cơ quan báo, đài của Trung ương và Thành phố và trên nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok, Instagram….).

UBND Thành phố đề nghị Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và các cơ quan báo chí Thành phố xây dựng chuyên mục về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); tổ chức đưa tin, viết bài các hội thảo, diễn đàn, đối thoại; tổ chức tọa đàm talkshow… để thông tin, trao đổi, góp ý, phản biện về dự thảo Luật. Trong đó chú trọng lấy ý kiến đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, luật sư, luật gia, đại biểu Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân liên quan đến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn thi hành như tổ chức hội nghị trực tuyến toàn Thành phố cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp với cơ quan báo, đài Trung ương tuyên truyền, phổ biến Luật.

UBND Thành phố cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức chính trị- xã hội, Tòa án nhân dân Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Hội Luật gia Thành phố, Đoàn Luật sư Thành phố kết hợp với hệ thống chính quyền tổ chức truyền thông dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và tuyên truyền, phổ biến Luật sau khi được Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong Kế hoạch, UBND Thành phố giao Sở Tài chính trên cơ sở đề xuất của các sở, ban, ngành tham mưu tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền phù hợp với khả năng cân đối ngân sách Thành phố và quy định của pháp luật hiện hành.