Chương trình số 07-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đã xác định 7 nhóm chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp đến năm 2025 đạt trên 70% (hiện đang ở mức 46%).
Để thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Cho đến nay, Hà Nội có 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 262 mô hình lĩnh vực trồng trọt, 119 mô hình lĩnh vực chăn nuôi, 25 mô hình lĩnh vực thủy sản; tập trung ở các huyện: Hoài Đức, Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…
TP có 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; khoảng 20 doanh nghiệp bước đầu đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Trong nửa đầu năm 2024, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất nông nghiệp như: Ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất các loại giống cây, con, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản đã tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Nhờ đó, nửa đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt 22.661 tỷ đồng, tăng 2,94% so cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 58,5%, trong đó hàng nông sản đạt 836 triệu USD.
Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng - Hoàng Mạnh Ngọc cho biết, với quy mô trang trại 5 ha, công ty đang nuôi 20 vạn con gà và sử dụng 100 máy ấp trứng, tất cả đều được kiểm soát bằng công nghệ 4.0. Việc tự động hóa trong quy trình cho ăn và uống giúp đàn gà phát triển khỏe mạnh, giảm thiểu dịch bệnh. Mỗi tháng, Công ty cung cấp cho thị trường khoảng 600.000 con gà giống ra thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực tế, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp là rõ nét. Tuy nhiên, việc này còn gặp không ít khó khăn, chi phí đầu tư ban đầu rất cao, quy mô nhỏ lẻ, trình độ của người nông dân không đều, thiếu cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại.
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa ổn định, giá cả bấp bênh, điều này làm giảm động lực đầu tư của các doanh nghiệp. Nhiều đơn vị chỉ áp dụng công nghệ vào một vài khâu trong quá trình sản xuất thay vì toàn bộ quy trình, dẫn đến hiệu quả không đạt được tối ưu như mong đợi…
Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Tạ Văn Tường cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục hợp tác với các địa phương để hỗ trợ các hợp tác xã và doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại.
Trong đó, ưu tiên sử dụng công nghệ sinh học và các chế phẩm vi sinh để kiểm soát môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường trong quá trình chăn nuôi. Giải quyết các khó khăn liên quan đến đất đai và môi trường nhằm khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn, phổ biến, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi, nhằm phát triển, nhân rộng các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và công bố công khai quy hoạch vùng chăn nuôi để kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư.
Hỗ trợ để các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi tập trung đủ điều kiện được áp dụng mô hình nông trại điện tử, tham gia hệ thống quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi để đưa sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao vào các kênh phân phối hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường…