Bảo đảm rà soát kỹ các dự án
Theo chỉ đạo của UBND TP, đối với các dự án đầu tư công cấp TP đã được HĐND TP quyết nghị dự nguồn cụ thể từng dự án để chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án trong giai đoạn 2023 - 2025 tại Phụ lục 6.1 của Nghị quyết số 12/NQ-HĐND, ngày 4/7/2023 của HĐND TP, các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của các dự án gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công và chỉ đạo của UBND TP tại Văn bản số 136/UBND-ĐT ngày 16/1/2023 của UBND TP.
Các dự án trình HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư phải bảo đảm rà soát kỹ sự cần thiết đầu tư, quy mô đầu tư, khả năng thực hiện, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của TP và theo quy định của Luật Đầu tư công. Thời gian hoàn thành chậm nhất tại kỳ họp HĐND TP cuối năm 2023.
Sau kỳ họp HĐND TP tháng 12/2023, các dự án không được HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ chuyển sang nghiên cứu thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 và số vốn đã dự nguồn cho các dự án này trong giai đoạn 2023 - 2025 sẽ được chuyển vào dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022.
Đối với các dự án đã được HĐND TP và các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng đến nay chưa phê duyệt dự án, các đơn vị được giao làm chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất các thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đối với 160 dự án cấp TP đã được phê duyệt chủ trương đầu tư chậm nhất trong quý 2/2024.
Về việc trên, các sở chuyên ngành (đơn vị chủ trì thẩm định dự án) chủ động hướng dẫn các chủ đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án bảo đảm điều kiện để bố trí vốn hằng năm.
Trong đó, đối với các dự án tu bổ, tôn tạo di tích, Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thẩm định với di tích cấp TP, lấy ý kiến thẩm định với di tích quốc gia của cơ quan chuyên ngành theo quy định của Luật Di sản văn hóa trước khi Sở Xây dựng (hoặc UBND cấp huyện theo phân cấp ủy quyền) tổ chức thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.
Tạm ứng vốn giải ngân linh hoạt
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội khóa XVI (diễn ra vào đầu tháng 7/2023), các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 cấp thành phố.
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm nhất là việc UBND TP đề nghị HĐND TP xem xét cho phép thực hiện cơ chế tạm ứng giải ngân linh hoạt kinh phí công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đối với các dự án xây dựng cơ bản cấp TP (bao gồm cả các dự án ngân sách cấp TP hỗ trợ ngành dọc, các dự án có kinh phí giải phóng mặt bằng tồn đọng) đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, thuộc danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm.
Hiện nay, TP đang thực hiện cơ chế thanh toán linh hoạt giải phóng mặt bằng đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư theo quy định, thuộc danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 và Kế hoạch đầu tư công hàng năm được HĐND TP thông qua.
Mức vốn giải phóng mặt bằng được thanh toán của từng dự án không vượt chi phí giải phóng mặt bằng trong tổng mức đầu tư được duyệt và bảo đảm điều kiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Đối với cơ chế này, các dự án đã được bố trí kế hoạch vốn hàng năm luôn được bảo đảm đủ kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, tại Báo cáo số 191/BC-UBND, UBND TP đề xuất bổ sung 2 nhóm dự án được thực hiện tạm ứng giải ngân linh hoạt giải phóng mặt bằng.
Nhóm thứ nhất, các dự án có tồn đọng trong công tác giải phóng mặt bằng, đến nay đã cơ bản hoàn thành, đề nghị được bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng để đủ điều kiện phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành. UBND TP đã báo cáo với HĐND TP tại kỳ họp thứ 12 danh mục 17 dự án thuộc nhóm này. Nội dung này đã được các Ban của HĐND TP thống nhất trong quá trình thẩm tra.
Nhóm thứ hai, các dự án mới được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025. Đề xuất cho phép mở rộng đối tượng được tạm ứng giải ngân linh hoạt cho công tác GPMB.
Trong thời gian qua, HĐND TP đã tạo điều kiện, không chỉ họp 2 kỳ thường lệ giữa năm và cuối năm, mà còn tổ chức các kỳ họp không thường lệ để xem xét, quyết nghị bổ sung kế hoạch vốn cho các dự án đủ điều kiện. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng thời gian tương đối dài giữa các kỳ họp HĐND TP.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, công tác giải phóng mặt bằng có một số đặc thù, khi được sự đồng thuận của đông đảo quần chúng Nhân dân thì cần phải thực hiện kịp thời và nhất là vào các kỳ theo phong tục, tập quán. Việc triển khai tạm ứng vốn giải ngân linh hoạt chi phí giải phóng mặt bằng đáp ứng kịp thời kinh phí giải phóng mặt bằng khi có sự đồng thuận của Nhân dân sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.