Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ cấp gần 5.000 giấy chứng nhận sử dụng đất nông nghiệp

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác dồn điền, đổi thửa được Hà Nội xác định là khâu đột phá quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo nguồn lực phục vụ xây dựng hạ tầng nông thôn mới (NTM).

Thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội cho biết, đến tháng 8/2021, toàn TP thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.454,3ha (đạt 104,6% so với mục tiêu kế hoạch). Diện tích đất dôi dư sau dồn điền, đổi thửa là 1.836,9ha, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng công trình phúc lợi, đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực xây dựng NTM.
Thành công của dồn điền, đổi thửa giúp gia tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng.
Sau dồn điền đổi thửa, Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nông nghiệp cho người dân. Đến nay, toàn TP đã cấp được 617.964/622.861 giấy (đạt 99,21% kế hoạch). Cùng với đó là đẩy mạnh việc chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao hơn.
Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung cho giá trị vượt trội đã hình thành và ngày một phát triển ổn định. Đơn cử như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở các huyện Mỹ Đức, Phú Xuyên, Sóc Sơn... cho giá trị thu nhập tăng thêm so với canh tác lúa truyền thống từ 25 - 30%; vùng rau an toàn ở các huyện Đông Anh, Phúc Thọ, Gia Lâm… đạt từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả ở một số xã thuộc các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ đạt từ 0,5 - 1 tỷ/ha/năm..
Lĩnh vực chăn nuôi cũng đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung, xa khu dân cư tại các huyện như Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai... với giá trị từ 1 - 2 tỷ/ha/năm. Những vùng nuôi trồng thủy sản tại một số huyện như Thanh Trì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức... cũng mang lại từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm cho người nông dân.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hiện, toàn TP hiện vẫn còn 4.897 GCNQSDĐ nông nghiệp chưa cấp được cho bà con nông dân. Đây là những trường hợp có khó khăn, vướng mắc chưa thể giải quyết trong nhiều năm qua. Chủ yếu là do người đứng tên giấy chứng nhận không có mặt tại địa phương, chủ đất đã chết, gia đình chưa thỏa thuận được di sản thừa kế, hoặc đang có tranh chấp, khiếu kiện, chuyển nhượng không có giấy tờ, hay chủ đất không hợp tác kê khai...
“Trên tinh thần chỉ đạo không bỏ hoang bất cứ diện tích đất canh tác nông nghiệp nào của TP, hiện nay Sở NN&PTNT Hà Nội đang tích cực phối hợp với các sở ngành, địa phương tập trung rà soát, phấn đấu hoàn thành sớm việc cấp GCNQSDĐ nông nghiệp cho người dân. Qua đó, tạo điều kiện để các nông hộ tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp” - ông Chu Phú Mỹ thông tin thêm.