Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến vừa ký ban hành Kế hoạch số 36-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Kết luận số 05-KL/TW, ngày 3/6/2021, của Ban Bí thư về "Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng".

Mục đích của kế hoạch là nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc phổ biến, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả Kết luận số 05-KL/TW và Chỉ thị số 50-CT/TW, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội. Đồng thời, tạo bước chuyển tích cực, rõ nét trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
 Ảnh minh hoạ.  (Nguồn: VOV.vn)
Kế hoạch đề ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Trước hết là nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, địa phương, đơn vị trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, pháp luật về phát hiện tham nhũng, bảo đảm đồng bộ, khả thi.
Kế hoạch đặc biệt nhấn mạnh đến việc tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, sai phạm kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng cần tập trung xác minh, điều tra làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt trong các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, sai phạm về kinh tế; xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ án đã khởi tố, điều tra với quan điểm "tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử".
Trong đó, chú trọng áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; thu hồi tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đồng thời, xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng.
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần