Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Để có một vụ mùa bội thu

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian này, các đối tượng như ốc bươu vàng, chuột hại, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn lá… gây hại mạnh trên cây lúa. Do đó, cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng đề kịp thời xử lý.

Tập trung chăm sóc lúa non

Tính đến ngày 11/3, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành gieo cấy gần 80.100ha lúa, đạt khoảng 101% so với kế hoạch đặt ra trong vụ Xuân 2024. Thời gian gieo cấy cơ bản đảm bảo theo đúng khung thời vụ tốt nhất.

Vụ Xuân năm nay, Hà Nội tiếp tục đưa vào gieo cấy nhiều giống lúa mới năng suất, chất lượng cao thay thế những giống truyền thống. Tỷ lệ cơ giới hoá trong gieo cấy lúa Xuân cũng đạt hơn 10%, cao hơn nhiều so với chỉ 4% của những năm gần đây.

Ghi nhận tại một số xứ đồng cho thấy, cây lúa đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh. Khoảng 12.000ha diện tích lúa gieo cấy sớm trước ngày 4/2/2024, hiện đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh.

Bà con nông dân tại Hà Nội bón phân cho lúa Xuân.
Bà con nông dân tại Hà Nội bón phân cho lúa Xuân.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, sau khi hoàn thành 100% diện tích gieo cấy theo kế hoạch, địa phương đang tập trung cho công tác chăm sóc lúa non. Đây là giai đoạn hết sức quan trọng, quyết định lớn đến năng suất, chất lượng của lúa Xuân.

“Các bộ trồng trọt thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khuyến cáo bà con nông dân tập trung làm cỏ, sục bùn cho lúa đẻ nhánh. Bên cạnh đó là tăng cường bón thúc và tỉa dặm kịp thời để đảm bảo mật độ giúp cây trồng phát triển tốt nhất…” - bà Hoàng Thị Hà thông tin thêm.

Điều kiện nguồn nước cũng có tác động rất quan trọng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Hiện, bà con nông dân các địa phương đang duy trì mực nước trên mặt ruộng từ 2 - 3cm. Nguồn nước hiện nay cơ bản đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của cây lúa.

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng

Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, trong thời gian tới, các đối tượng như ốc bươu vàng, chuột hại, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn lá, bệnh ngẹt rễ vàng lá… sẽ gây hại mạnh; đặc biệt là trên các giống lúa mẫn cảm như J02, BC15, TBR225, lúa nếp…

Để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các quận, huyện, thị xã cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra đồng ruồng; phát hiện sớm các đối tượng hây hại để kịp thời xử lý. 

Đoàn công tác Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra thực tế diện tích lúa Xuân 2024.
Đoàn công tác Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra thực tế diện tích lúa Xuân 2024.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết. Tăng cường công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc và phòng trừ sinh vật gây hại trên cây lúa để bà con nông dân thực hiện.

Liên quan đến công tác chăm sóc lúa Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết bên cạnh kỹ thuật chăm sóc, cần tăng cường hơn nữa nhiệm vụ quản lý Nhà nước về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để nắm bắt tình hình, kịp thời khuyến cáo bà con không dùng thuốc độc hại ngoài danh mục cho phép.

Cùng với cây lúa, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các địa phương phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc tốt cho gần 16.500ha rau màu trong vụ Xuân này. Trong đó, lưu ý các biện pháp bón thúc, vun xới, đảm bảo tưới tiêu phù hợp để cây trồng sinh trưởng thuận lợi.

“Ngành nông nghiệp sẽ kết hợp, phối hợp với chính quyền các địa phương, tăng cường công tác chỉ đạo để thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc cho cây trồng vụ Xuân, trong đó có cây lúa, hướng tới một vụ mùa bội thu…” - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh. 

 

“Qua kiểm tra thông tin vỏ thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồn ruộng, nhìn chung bà con đã tuân thủ việc sử dụng các loại thuốc theo đúng khuyến cáo, chưa phát hiện trường hợp dùng thuốc ngoài danh mục cho phép…” - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng.