Hà Nội đề ra 10 giải pháp phục hồi, phát triển công nghiệp xây dựng

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 20/KH-UBND về phục hồi và phát triển ngành công nghiệp xây dựng tại TP Hà Nội.

Theo đó năm 2021, ngành Xây dựng cũng là ngành kinh tế chịu tác động lớn bởi ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Do giãn cách xã hội nên nhiều dự án bị ngưng trệ; cùng với đó là sự thiếu hụt nguồn lao động, gia tăng tiền lương, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, kèm theo các chi phí để thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch... do đó, nhiều công trình thi công chậm tiến độ, tiến độ giải ngân vốn chậm hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Hà Nội đưa ra 10 nhóm giải pháp phục hồi, phát triển ngành công nghiệp xây dựng. Ảnh minh hoạ
Hà Nội đưa ra 10 nhóm giải pháp phục hồi, phát triển ngành công nghiệp xây dựng. Ảnh minh hoạ

Hiện nay, các hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố đang trong quá trình phục hồi sản xuất trên cơ sở bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tuy nhiên, hình hình dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, các hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Để từng bước phục hồi, phát triển, việc triển khai các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp xây dựng là hết sức cần thiết.

Theo kế hoạch, UBND TP triển khai đồng bộ 10 nhóm giải pháp bám sát vào sự chỉ đạo của Chính phủ và mục tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 – 2025 của TP.

Cụ thể, nâng cao hiệu quả thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động xây dựng; đảm bảo cân đối ngân sách, bổ sung, hỗ trợ nguồn vốn, đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Theo đó, phấn đấu tỷ lệ giải ngân hằng năm đạt trên 95% kế hoạch vốn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tiếp tục tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động xây dựng chịu ảnh hưởng bởi dịch.

Hoàn thiện bổ sung cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các hoạt động xây dựng; đẩy mạnh cải cách hành chính, quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; phục hồi, mở rộng các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối kiểm soát, bình ổn giá cả các mặt hàng nguyên, vật liệu xây dựng; thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xây dựng;

Khởi động, đẩy mạnh hoạt động xây dựng của các công trình, dự án giao thông, công nghiệp, dân dụng, thủy lợi... trọng điểm có tác động đến phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Trong đó có công tác chỉnh trang khu vực đô thị cũ; cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư, tập thể cũ... Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm có tính liên kết vùng, trung ương, các dự án đường vành đai, các trục kết nối, giảm ùn tắc giao thông như: Dự án cải tạo quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai; tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long, nối quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5 và Vành đai 3,5; các tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai), số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc)...; tổ chức giao thông, phân luồng, phân tuyến cho các phương tiện vận chuyển người lao động, hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng bảo đảm lưu thông và an toàn, phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, thành phố thực hiện hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động ngành xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường kết nối cung – cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, cung cấp các thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần