Hà Nội đề xuất cho phép trông giữ xe dưới gầm cầu: Phù hợp với tình hình thực tế

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi một số điều trong Thông tư số 35/2017/TT - BGTVT, nhằm cho phép TP được tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện tại một số vị trí dưới gầm cầu đến hết năm 2023.

 Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn.
Liên quan đến vấn đề này Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn.
Xin ông cho biết, do đâu mà Hà Nội đề xuất Bộ GTVT sửa đổi Thông tư 35, nhằm cho phép TP được tổ chức trông giữ xe dưới gầm cầu?
- Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn trong lĩnh vực giao thông nói chung và giao thông tĩnh nói riêng. Trong khi lượng phương tiện gia tăng chóng mặt, diện tích đất cũng như các công trình hạ tầng dành cho giao thông tĩnh lại chậm phát triển. Thực tế đó đòi hỏi TP phải có những biện pháp tức thời, tận dụng mọi khả năng, mọi vị trí có thể, có điều kiện để phục vụ nhu cầu đỗ, gửi xe của người dân.
Trước khi Thông tư 35 có hiệu lực, Hà Nội vốn có 4 điểm trông giữ xe dưới gầm cầu đã được TP cấp phép. Đến nay, theo tinh thần của Thông tư, 4 điểm này không được phép trông giữ.
Tuy nhiên, nhu cầu của Nhân dân quá lớn; đồng thời, việc tổ chức khai thác các điểm nêu trên đã ổn định, an toàn trong nhiều năm qua. Do đó, TP đã kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi Thông tư 35, cũng như trong thời gian từ nay đến 2023 cho phép Hà Nội tiếp tục duy trì 4 điểm trông giữ xe dưới gầm cầu hiện có.
 Một điểm trông giữ xe tại gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng. Ảnh: Công Hùng
Bốn điểm trông giữ xe dưới gầm cầu như ông đã nói nằm ở đâu?
- Bốn điểm đó là tại gầm cầu: Vĩnh Tuy, phía bên ngoài đê. Gầm cầu Chương Dương được tận dụng để trông giữ phương tiện miễn phí phục vụ tuyến phố đi bộ và mở rộng không gian đi bộ khu vực phố cổ Hà Nội trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Điểm này chỉ phục vụ vào các tối cuối tuần, từ thứ Sáu đến Chủ nhật. Điểm thứ ba tại gầm cầu vượt Ngã tư Vọng do UBND quận Đống Đa và Bệnh viện Bạch Mai đề nghị cho trông giữ phục vụ Nhân dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Cuối cùng là điểm trông giữ tại gầm cầu vượt Mai Dịch, phục vụ lưu giữ xe vi phạm do các lực lượng chức năng xử phạt.

Qua đó có thể thấy, các điểm này đều nhằm phục vụ nhu cầu tất yếu của Nhân cũng như các cơ quan, đơn vị của TP. Tại các khu vực này không có đất để bố trí bãi trông giữ khác, đồng thời không gây ảnh hưởng đến tổ chức giao thông, an ninh và trật tự.

Nhằm sự dụng hiệu quả, an toàn các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu nêu trên, TP đã có yêu cầu như thế nào đối với đơn vị khai thác?
- Với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành, Sở GTVT đã tham mưu cho TP trong suốt quá trình xem xét, cấp phép, quản lý các điểm trông giữ xe dưới gàm cầu. Cụ thể, các vị trí nêu trên đã được nghiên cứu cụ thể, kỹ lưỡng tất cả các yếu tố như tổ chức giao thông, an toàn cháy nổ, an ninh trật tự... Khi đáp ứng đủ các điều kiện này Sở mới đề xuất TP cấp phép. Sắp tới, TP sẽ tiếp tục yêu cầu đơn vị các khai thác đưa cộng nghệ cao vào ứng dụng nhằm quản lý tốt hơn nữa, minh bạch hơn nữa các bãi trông giữ xe dưới gầm cầu.
Mặt khác, các điểm này cũng chỉ được tồn tại trong ngắn hạn, trước mắt là đến năm 2023. Hiện nay Quy hoạch bến, bãi đỗ xe của Hà Nội đã được phê duyệt. Khi Quy hoạch được triển khai vào thực tế, các điểm trông giữ xe được hình thành đủ để đáp ứng nhu cầu, TP sẽ chấm dứt hoạt động của các điểm này.
Nếu Thông tư 35 được sửa đổi, Hà Nội có dự định mở thêm các điểm trông giữ xe khác dưới gầm cầu hay không?
- Hà Nội chỉ cấp phép hoạt động cho 4 bãi trông giữ xe dưới gầm nêu trên. Hiện TP vẫn chưa có kế hoạch mở thêm các điểm khác tương tự. Cần lưu ý rằng, việc đề xuất sửa đổi Thông tư 35 là để phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội cũng như các đô thị lớn khác. Ở một số nước phát triển, các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu cũng được duy trì từ lâu, được quản lý tốt, hoạt động có hiệu quả và an toàn.

Xin cảm ơn ông!