Chiều nay (14/8), đoàn khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Sở Y tế về việc chấp hành các quy định pháp luật trong quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn TP.
Theo Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế) Nguyễn Quang Trung, hết tháng 6/2019, về tổng số cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập, trên địa bàn TP có 3.788 cơ sở khám chữa bệnh và 7.728 cơ sở hành nghề dược, đã đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân và giúp giảm quá tải cho các bệnh viện công lập. Tuy nhiên, hệ thống y tế tư nhân còn không ít tồn tại như: Hành nghề quá phạm vi chuyên môn được phê duyệt, hành nghề khi chưa được cấp giấy phép hoạt động, không đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được thẩm định trong quá trình hoạt động, không đảm bảo điều kiện nhân lực, sử dụng người nước ngoài hành nghề không đúng quy định, thu tiền dịch vụ y tế và bán thuốc cao hơn giá niêm yết...
Thực hiện quản lý nhà nước, hàng năm Sở đều xây dựng kế hoạch kiểm tra hậu kiểm đối với các cơ sở này, trong đó ưu tiên hình thức kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra đột xuất những cơ sở hành nghề có yếu tố nước ngoài, tập trung kiểm tra những cơ sở gần cổng bệnh viện T.Ư và bệnh viện lớn, loại hình kinh doanh nhạy cảm, có thực hiện kỹ thuật, thủ thuật xâm lấn... Trong 3 năm 2016-2018, đã tiến hành kiểm tra hậu kiểm y dược với 552 lượt cơ sở, từ đó kiến nghị thu hồi giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh với 56 cơ sở khám chữa bệnh và 42 cơ sở hành nghề dược, kiến nghị đình chỉ hoạt động 8 cơ sở hành nghề khám chữa bệnh. 6 tháng đầu năm nay, tiếp tục kiểm tra, hậu kiểm 33 cơ sở hành nghề dược, thu hồi GCN đủ điều kiện kinh doanh thuốc của 8 cơ sở; kiểm tra 35 cơ sở khám chữa bệnh, thu hồi 12 cơ sở, đình chỉ hoạt động 3 cơ sở. Thanh tra Sở cũng thanh tra 523 cơ sở hành nghề khám chữa bệnh, xử phạt hành chính 287 trường hợp với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng; thanh tra 953 cơ sở hành nghề dược, xử phạt hành chính 874 trường hợp với hơn 9,7 tỷ đồng. 6 tháng năm nay, tiếp tục thanh tra 70 cơ sở hành nghề khám chữa bệnh, xử phạt 44 trường hợp và 141 cơ sở hành nghề dược, xử phạt 110 trường hợp...
Từ thực tế hiện nay, Sở kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo hướng tăng mức xử phạt cho đủ sức răn đe. Để quản lý tốt các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, nên Sở đề xuất đưa công tác này vào nghị quyết HĐND các cấp. Đặc biệt, kiến nghị UBND TP bổ sung chỉ tiêu biên chế cho bộ phận quản lý hành nghề y, dược và thanh tra y tế trực tiếp làm công tác quản lý hành nghề cho Sở cũng như quận, huyện có nhiều cơ sở hành nghề y, dược tư nhân.
Đáng chú ý, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà đề nghị tăng cường phân cấp quản lý hành nghề y, dược tư nhân cho các quận, huyện, trong đó rất rõ ràng về trách nhiệm, thẩm quyền, nội dung và cả vấn đề thẩm định tại cơ sở trong công tác cấp phép. “Với hoạt động hành nghề y dược tư nhân không phép, chỉ có chính quyền quận, huyện nắm rõ nhất. Quận, huyện nào không đủ nhân lực đảm bảo điều kiện về thẩm định cơ sở, Sở sẽ hỗ trợ để giảm thời gian cấp phép. Từ mạng lưới quận, huyện sẽ tạo “chân rết” phân cấp đến các xã, phường trong công tác quản lý này”, bà Hà nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát ghi nhận cố gắng của Sở Y tế trong công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn TP thời gian qua. Sự phát triển các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân rất mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định Hà Nội là trung tâm của cả nước trong lĩnh vực này, với nhiều cơ sở chất lượng cao, có tác động mạnh mẽ trở lại với khối y, dược công lập.
Tuy nhiên, qua đợt giám sát thực tế vừa qua, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở có báo cáo làm rõ hơn trách nhiệm của các quận, huyện, xã, phường; đề xuất những giải pháp cụ thể tăng cường công tác này thời gian tới, trong đó rõ về vấn đề phân cấp cho các quận, huyện. Đặc biệt, theo ông Nguyễn Thanh Bình, rất cần thiết có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, nên đề nghị Sở xây dựng Đề án trong đó có dự thảo nghị quyết, phấn đấu trình HĐND TP trong cuối năm nay.