Đây là nội dung bổ sung thêm vào chương trình kỳ họp thứ 14, sẽ khai mạc vào ngày 1/12 tới do Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về vấn đề này.
Theo tờ trình, để mức học phí mới không quá cao so với hiện nay, năm học 2015 - 2016, đối với giáo dục đại trà bậc mầm non và giáo dục phổ thông, TP đề xuất HĐND thông qua mức thu ở nấc tối thiểu trong khung quy định của Chính phủ. Theo đó, với khu vực thành thị hiện là 40.000 đồng/tháng, tăng lên thành 60.000 đồng/tháng (khung của Chính phủ quy định là từ 60.000 - 300.000 đồng); nông thôn hiện là 20.000 đồng/tháng, tăng lên thành 30.000 đồng/tháng (khung của Chính phủ là 30.000 - 120.000 đồng); miền núi thu 8.000 đồng/tháng (hiện không thu).
Đối với mức thu từ năm học 2016 - 2017, UBND TP sẽ giao các sở, ngành tiến hành rà soát, tính toán để mức thu phù hợp với điều kiện kinh tế từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân, báo cáo HĐND TP quyết định.
Học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, TP đề xuất vẫn thực hiện theo Nghị quyết số 15 đã được HĐND TP thông qua tháng 7/2013. Đối với cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp, UBND TP trình HĐND TP quyết định mức thu năm học 2015 - 2016 theo mức hiện các trường đang thực hiện. Từ năm học 2016 - 2017, UBND TP sẽ xác định mức thu học phí đảm bảo theo đúng nguyên tắc của Chính phủ và trình HĐND TP ở kỳ họp sau. Trong việc miễn giảm, hỗ trợ chi phí học tập, tờ trình nêu rõ, báo cáo HĐND TP xem xét, giao UBND TP triển khai theo đúng đối tượng quy định tại Nghị định mới của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của T.Ư. Riêng đối với đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiên theo chuẩn của TP. Nếu được HĐND TP thông qua, chính sách học phí mới sẽ được TP áp dụng từ 1/1/2016.
Ảnh minh họa
|