Sáng nay, 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương khi mà 15 ngày tới được coi là “giờ vàng” quyết định chúng ta thành công hay thất bại trong chống dịch.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng ở điểm cầu truyền hình trụ sở Chính phủ và lãnh đạo các địa phương tại các điểm cầu: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn.Tại điểm cầu Hà Nội có Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung – Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 thành phố khẳng định, trong thời gian vừa qua, Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc Chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương và các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung báo cáo tại điểm cầu Hà Nội |
Thành ủy Hà Nội đã có chỉ thị rất sớm từ ngay cuối tháng 1/2020. Đồng thời, hàng tuần Thường trực Thành ủy đều tổ chức giao ban đều đặn vào chiều thứ 2 cũng như đột xuất. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành 3 công điện để đôn đốc tại các cấp và giao cho Bí thư quận, huyện… chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó Thành ủy Hà Nội đã thành lập 5 đoàn kiểm tra do các đồng chí trong Ban Thường trực Thành ủy đi kiểm tra 30 quận, huyện, thị xã về công tác chuẩn bị, phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Từ đó có những chấn chỉnh, chỉ đạo kịp thời, đưa công tác này thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Ban Chỉ đạo Thành phố 2 ngày họp một lần và có trường hợp đột xuất ngoài giờ hay buổi tối đế có ứng phó kịp thời với tất cả tình hình diễn biến dịch trên địa bàn Thành phố.
Thành phố thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế tiếp nhận tất cả các trường hợp đi đến từ vùng dịch từ giai đoạn 1 và giai đoạn 2; chưa phát hiện sự phức tạp trong các khu cách ly phòng ngừa; đôn đốc công tác chuẩn bị để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh cho các kịch bản, trong đó có kịch bản cho tình huống xấu nhất trên địa bàn Thành phố là có từ 1.000-1.500 bệnh nhân dương tính.
Liên tục trong những ngày vừa qua, từ ca dương tính đầu tiên của giai đoạn 2 cũng là ca đầu tiên của Hà Nội, TP đã khẩn trương xác định được nguồn lây nhiễm những người có tiếp xúc trên cơ sở đó đã ngăn chặn kịp thời tại 125 phố Trúc Bạch.
Đồng thời đã thông tin đến 6 tỉnh, thành để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và đối với hành khách tại khoang hạng C của chuyến bay VN0054 về ngày 2/3 đế kịp thời phát hiện ca dương tính, ngăn chặn kịp thời.
Giao Sở Công thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong việc họp tất cả các nhà cung cấp, cung ứng các mặt hàng lương thực thực phẩm, hàng ăn thiết yếu, hiện nay Hà Nội có đủ lượng hàng hóa đang được dự trữ từ 300-500% có thể đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô trong mọi tình huống, không bị ngắt quãng hay tăng giá các mặt hàng này.
Đã chỉ đạo lực lượng Công an thành phố, quản lý thị trường tổ chức rà soát, bắt giữ gần 3 triệu khẩu trang do các đối tượng buôn bán không rõ nguồn gốc, xử lý 65 trường hợp tung tin thất thiệt trên môi trường mạng...
Ổ dịch Bạch Mai sẽ có thêm ca nhiễm Covid-19
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, từ chiều ngày 19/3, ngay khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai có 2 y tá dương tính với Covid-19, TP Hà Nội đã khẩn trương xác minh những người thân đã tiếp xúc gần với bệnh nhân này.
Kết quả, trong ngày 20/3, đã xác minh được con gái bệnh nhân 86 dương tính với Covid-19. Những trường hợp tiếp xúc gần 2 y tá trong viện cũng đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Hiện chưa phát hiện thêm trường hợp nào tiếp xúc gần dương tính với Covid-19.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại điểm cầu Hà Nội |
Sau khi xác định các trường hợp dương tính với Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển 5113 bệnh nhân đang điều trị tại đây về các tỉnh thành miền Bắc, trong đó TP Hà Nội đã tiếp nhận 1592 trường hợp. Đến nay, TP Hà Nội cũng đã xác minh được toàn bộ người thân của gần 1.600 bệnh nhân này và cho cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá, “ổ dịch” tại Bệnh viện Bạch Mai là ổn dịch lớn nhất, phức tạp nhất và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn TP, cũng như một số tỉnh thành trên cả nước. “Bộ Y tế mới chỉ công bố 12 trường hợp dương tính ở Bệnh viện Bạch Mai thôi, nhưng số ca dương tính đã tăng gần 20 rồi”.
Theo Chủ tịch UBND TP, đã có những trường hợp từ Bệnh viện Bạch Mai đi theo đoàn công tác xuống Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 dưới Hà Nam dương tính với Covid-19. Có trường hợp đi về Nam Định cũng dương tính với Covid-19. Cũng có trường hợp đi về Ninh Bình dương tính với Covid-19. Vì vậy, có thể, chỉ trong một vài ngày tới có thể có thêm ca dương tính ở một số tỉnh miền Bắc, cũng như tại TP Hà Nội.
Căn cứ tình hình thực tế, Chủ tịch TP Hà Nội đánh giá Bệnh viện Bạch Mai có đầy đủ yếu tố của một “ổ dịch” diễn biến hết sức phức tạp. Cụ thể, có những bệnh nhân có bệnh nền nặng được điều trị tại đây. Trước thời điểm “đóng băng” bệnh viện, mỗi ngày vẫn có hàng nghìn người dân đến đây khám chữa bệnh.
Ngày 19/3, ngay sau khi Bệnh viện Bạch Mai có 2 ca dương tính (ca 86-87, công bố ngày 20/3 - PV), được sự đồng ý của Thành ủy Hà Nội, Hà Nội đề xuất phong tỏa một số khoa của bệnh viện Bạch Mai, sau đó, Bệnh viện phong tỏa các khoa có bệnh nhân Covid-19.
Nhưng đáng lo ngại nhất đó là sau ngày 20/3 Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển 5.113 bệnh nhân về khắp các tỉnh; đã có lây nhiễm ra ngoài. Nguy cơ lây nhiễm đến từ gần 3.000 bệnh nhân HIV được bệnh nhân dương tính với Covid -19 số 86 phát thuốc từ 9 đến 14/3 là rất lớn.
Nguy cơ tiếp theo đến từ Công ty Trường Sinh với 23 người phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 57, hàng ngày đưa phích nước cho tất cả các khoa của bệnh viện. Bộ Phận nấu cháo phở cung cấp theo yêu cầu cho bệnh nhân. Bộ phận nấu ăn hàng ngày cung cấp cho khoảng 5-6000 nhân viên trong bệnh viện Bạch Mai ăn tại tòa nhà tầng 2.
Ngoài ra bệnh viện có khoảng 2000 đến 3000 học sinh, sinh viên thực tập của Hà Nội và các tỉnh thành ăn uống và học tập tại đây, nhưng đã được bệnh viện trả về từ ngày 20/3….Bên cạnh đó, đáng lo ngại nhất hiện nay là khu vực nhà ăn cho bệnh nhân và người ngoài vào ăn – nơi bệnh nhân 170 vào ăn 5 lần và bị nhiễm. Bởi mỗi ngày có khoảng 600-700 người dân vào đây ăn uống, cuối tuần có khoảng 250 người. Hơn nữa, bộ phận nấu ăn tại bệnh viện mỗi ngày cũng cung cấp cho khoảng 5.000 đến 6.000 nhân viên trong bệnh viện. Khoảng 2.000 đến 3.000 học viên, thực tập sinh của Hà Nội cũng như các tỉnh thành cũng vào đây ăn uống.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin, việc Bộ Tư lệnh hóa học phun thuốc khử trùng Bệnh viện Bạch Mai tối qua (ngày 29/3) làm người dân, cũng như nhân viên trong bệnh viện yên tâm hơn. Tuy nhiên, hiện nay nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ đây ra cộng đồng vẫn rất lớn.
Chủ tịch UBND TP thông tin, qua phân tích từ những số liệu liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai để đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ra ngoài cộng đồng, một số chuyên gia về phòng chống bệnh tật trên thế giới cho rằng, dịch bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai còn phức tạp hơn 3 bệnh viện nằm ở Daegu (Hàn Quốc), Lombardy (Ý) và New York (Mỹ). Do số người ra vào quá nhiều và số bệnh nhân ra vào quá đông. Trường hợp này cũng như Vũ Hán dịp gần tết, sau khi nhiễm bệnh nhiều người đã di chuyển khắp các nơi.
Đề xuất Hà Nội được công bố các trường hợp dương tính với Covid -19
Thông tin việc trong tối 28/3, Hà Nội đã đưa 613 trường hợp là người nhà của Bệnh viện Bạch Mai lên Trường Đại học FPT tổ chức cách ly an toàn; thứ hai, TP đang phối hợp chặt chẽ với công ty Trường Sinh để có thể xác định được nơi cư trú của hơn 90 trường hợp nhân viên của công ty với quê quán ở nhiều tỉnh thành, nhưng theo Chủ tịch UBND TP: “Cơ bản tin cũng rất vui là từ hôm nay thì chỉ có 3 trường hợp về quê, sau đó còn lại cơ bản ở trong bệnh viện”.Điểm cầu Hà Nội |
Tại phiên họp, Hà Nội đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ Hà Nội máy thở; đề xuất cung cấp cho Hà Nội bộ test nhanh để Hà Nội xét nghiệm nhanh trên diện rộng, ưu tiên khu vực xung quanh bệnh viện Bạch Mai...
Về thông tin các trường hợp dương tính, Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cho phép CDC Hà Nội khẳng định dương tính, vậy cho phép Hà Nội công bố, để thuận lợi cho cơ sở trong việc ra quyết định cách ly các trường hợp F1, F2 một cách kịp thời.
Bởi như hiện nay, khi Bộ chưa công bố, người dân chưa hợp tác cách ly vì nhiều người cho rằng “chỉ khi nào tivi phát chúng tôi mới bị bệnh”. Trong khi đó, nếu các ca dương tính được cách ly sớm sẽ giảm lây lan hơn.
Đề xuất Thủ tướng có quyết định về 1 số lao động, nhân viên làm việc trong khách sạn, nhà hàng, phục vụ cửa hành bán lẻ... không về quê, tạm trú tại chỗ. Tránh trường hợp có bệnh lây lan về quê.