Bên cạnh đó, 100% các điểm tồn đọng rác thải đã đóng cửa trên địa bàn các huyện được phục hồi cảnh quan môi trường, xử lý triệt để các điểm tồn đọng rác thải nhằm tái sử dụng quỹ đất cho các mục đích phát triển khác của địa phương. Đến năm 2020, phấn đấu 100% khối lượng chất thải rắn phát sinh được thu gom, xử lý bằng các phương pháp tái chế, tái sử dụng, tiêu huỷ, chôn lấp, trong đó: 70% được xử lý bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, 30% được chôn lấp, xử lý hợp vệ sinh.
Trên đây là mục tiêu của đề án thu gom, quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện ngoại thành vừa được UBND TP phê duyệt. Phạm vi, giới hạn nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện ngoại thành của Hà Nội. Đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp tập trung giải quyết triệt để tình trạng tồn đọng rác thải gây ô nhiễm môi trường và xử lý môi trường tại các điểm, bãi chôn lấp rác để thực hiện các mục tiêu của đề án. Một trong những nhiệm vụ của đề án, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và nhận thức của cộng đồng về quản lý tổng hợp chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý chất thải rắn, khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia lĩnh vực xử lý chất thải rắn trên địa bàn các huyện; xây dựng mô hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn; lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội, giảm thiểu tỷ lệ chất thải phải chôn lấp. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được giao là cơ quan chủ trì xây dựng đề án; thời gian hoàn thành trong tháng 12/2012.