70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội đi đầu trong xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh và xứng đáng là trung tâm văn hóa hàng đầu của cả nước.

Sáng 12/4, Đoàn kiểm tra T.Ư đã làm việc với Thành ủy Hà Nội về đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn TP Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng - Trưởng ban chỉ đạo và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị về phía T.Ư có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Lê Mạnh Hùng. Về phía Hà Nội có Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy…
 Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận tại Hội nghị.
Góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô
Báo cáo sơ kết do Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong trình bày cho thấy, sau 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, Hà Nội đã đạt được một số kết quả nổi bật. Trong đó, giao lưu, hội nhập quốc tế ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu và góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô, con người Hà Nội với bạn bè quốc tế. Công tác quy hoạch và quản lý Nhà nước về văn hóa ngày càng đi vào nền nếp. Các phong trào quần chúng được phát động gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và phong trào xây dựng nông thôn mới thu hút đông đảo quần chúng tham gia, bước đầu hình thành nhiều mô hình về văn hóa và thể thao ở cơ sở.
Bên cạnh đó, TP đã có nhiều chính sách, giải pháp cụ thể nhằm phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh như: Xây dựng 2 Quy tắc ứng xử; đưa vào giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” trong nhà trường... và bước đầu đạt hiệu quả. Việc đấu tranh chống quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình hiện nay được TP thực hiện bài bản, chặt chẽ và đồng bộ từ TP tới cơ sở.
Báo cáo và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, một số cấp uỷ Đảng, chính quyền và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của văn hoá; sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Đầu tư nguồn lực phát triển văn hoá còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, các đại biểu kiến nghị TP cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò, sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền trong lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt, chương trình xây dựng công nghiệp văn hóa…
 Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị.
Xây dựng, phát triển văn hóa phải nhiệm vụ thường xuyên
 Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng - Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá cao Thành uỷ Hà Nội đã chuẩn bị tích cực, chu đáo nội dung, tham luận và chỉ ra nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn trong việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Đồng thời, TP đã ban hành và triển khai nhiều đề án, chương trình, quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh và xứng đáng là trung tâm văn hóa hàng đầu của cả nước.
Để thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 33-NQ/TW trong thời gian tới, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư đề nghị, Thành ủy Hà Nội cần đánh giá cụ thể, nghiêm túc và kịp thời khắc phục một số tồn tại đã được chỉ ra qua đợt kiểm tra. Tiếp tục lãnh đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả và bám sát các nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết. Tăng cường phối hợp với các cơ quan T.Ư, các ngành, các cấp trong quá trình thực hiện.
“Xác định xây dựng, phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Đồng thời, chú trọng vào những vấn đề xã hội đang bức xúc như: Đạo đức xã hội, đạo đức trong gia đình, đạo đức trong nhà trường. Từ đó, nghiên cứu thêm những vấn đề cấp thiết để góp phần phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Ngoài ra, phát huy hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa các cấp để nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân Thủ đô” - Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định, Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc văn hóa vừa nhiệm vụ trước mắt, vừa nhiệm vụ cơ bản và lâu dài. Văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội với quan điểm đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Vì vậy, Thành ủy Hà Nội ban hành và tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình số 04 về “Phát triển văn hóa- xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, đóng góp tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy đề nghị, để việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, cần đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai tổ chức thực hiện. Tiếp tục thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp nêu ra trong Nghị quyết. Trong đó, tập trung vào các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đoàn kiểm tra để bổ sung, hoàn thiện và xây dựng mới các văn bản chỉ đạo phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của T.Ư. Từ đó, để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô xứng đáng với sứ mệnh lịch sử, vai trò tiêu biểu cho cả nước.