Tiêu hủy hơn 600 con lợn trong 1 tuần
Dịch tả lợn châu Phi bắt đầu tái bùng phát trên địa bàn Hà Nội từ ngày 2/10, tại 2 xã Tản Hồng và Chu Minh (huyện Ba Vì). Sau đó, các địa phương khác của huyện này cũng lần lượt ghi nhận tình trạng lợn mắc bệnh. Và sau 1 tuần (đến ngày 7/10), dịch đã lan rộng ra 55 hộ, 27 thôn thuộc 15 xã của huyện Ba Vì. Số lợn phải tiêu hủy là hơn 600 con lợn.
Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Bá Trình cho biết, để khống chế dịch, UBND huyện đã yêu cầu các xã tập trung rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi và tổng số đàn lợn trên địa bàn. Thực hiện ký cam kết với các hộ, tuân thủ nghiêm quy định “5 không”, bao gồm: Không giấu dịch; không mua, bán lợn mắc bệnh, sản phẩm lợn mắc bệnh; không bán chạy lợn mắc bệnh; không vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch và không vứt xác lợn ốm chết ra môi trường.
Huyện Ba Vì cũng yêu cầu các xã có dịch duy trì và thành lập các chốt kiểm soát để phát hiện, ngăn chặn kịp thời xử lý các trường hợp vận chuyển lợn ra vào địa bàn. Thực hiện phung tiêu độc, khử trùng đường làng, ngõ xóm, nơi có nguy cơ cao.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú Y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn, bước đầu cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân bùng phát dịch do tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ dân trong khu dân cư cao (trên 60%), trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường không chú ý tới việc phòng dịch, không đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại… Cộng thêm, giá lợn giảm sâu, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng dẫn đến tâm lý lơ là việc chăm sóc đàn lợn. Đặc biệt, giai đoạn này thời tiết miền Bắc đang chuyển mùa là điều kiện lý tưởng để dịch bệnh bùng phát, lây lan.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn đưa ra khuyến cáo, thời gian tới, nếu các cơ sở chăn nuôi không thực hiện đầy đủ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan ra diện rộng là rất lớn.
Đồng bộ giải pháp, không để dịch lây lan
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội về việc tuyên truyền thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống nhằm khống chế, không để dịch bệnh lây lan, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra, Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 34/CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi”; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và TP.
Trong đó tập trung triển khai hiệu quả Văn bản chỉ đạo số 344/UND-KT ngày 9/10/2021 của UBND TP Hà Nội về việc “Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn TP”, gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ đàn gia súc, đặc biệt là đàn lợn của từng hộ gia đình, từng thôn, từng xã, từng huyện, thị xã; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội, huy động các lực lượng của đơn vị, địa phương để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, quyết liệt, triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan…
Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị các địa phương, trong tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng, hệ thống thông tin truyền để cán bộ, đảng viên, các tổ chức, người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Cùng với đó, nắm chắc các biện pháp phòng, chống và các chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm các quy định.
Qua đó, nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Phối hợp với các cơ quan chức năng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; làm tốt công tác định hướng dư luận để người dân, người tiêu dùng hiểu rõ, hiểu đúng, không gây hoang mang trong xã hội.
Mặt khác, cần tăng cường phối hợp của các cơ quan, đơn vị, ngành liên quan để thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác tới người dân các hướng dẫn, quy định của Trung ương và TP về công tác phòng, chống dịch bệnh. Bố trí địa điểm tiêu hủy lợn, sản phẩm của lợn tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy định; các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn TP nhất là những khu vực phát hiện và xử lý ổ dịch…
Tổ chức phát sóng, đưa tin về tình hình dịch bệnh, tuyên truyền các chỉ đạo và giải pháp của TP, các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Tuyên truyền người dân tiêu thụ, sử dụng thịt lợn an toàn, góp phần hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi trong bối cảnh phải vượt qua khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.