Nhiều dự án được triển khai
Số liệu của Sở KH&ĐT Hà Nội cho thấy, Nhật Bản hiện là quốc gia hàng đầu trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với trên 10 tỷ USD (chiếm 25,5% tổng giá trị thu hút FDI của Hà Nội) và hỗ trợ ODA với 32 dự án và tổng vốn đã cam kết gần 3 tỷ USD (chiếm 58,8% giá trị vốn ODA cam kết cho Hà Nội).
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản chứng kiến lễ ký hợp tác giữa DN Nhật Bản với DN Việt Nam. Ảnh: Nam Lê |
Các dự án từ nguồn vốn của Nhật Bản đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô như: Tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài; cầu Nhật Tân; Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Khu công nghiệp Thăng Long... Các DN Nhật Bản đã đầu tư hàng nghìn dự án và đang hoạt động sản xuất, kinh doanh thành công trên địa bàn TP Hà Nội.
Trong đó kinh doanh bất động sản với tổng vốn 4,5 tỷ USD (chiếm 44%), công nghiệp chế biến chế tạo với 3,95 tỷ USD (chiếm 38,7%), hoạt động thương mại với 570 triệu USD (chiếm 5,6%), dịch vụ lưu trú ăn uống với 221 triệu USD (chiếm 5%).
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết: Từ năm 2016 đến nay, thông qua hội nghị “Trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản” đã có hàng trăm dự án được cấp mới cho các nhà đầu tư, DN Nhật Bản tại Hà Nội. Riêng năm 2018, Nhật Bản đăng ký 131 dự án đầu tư mới với tổng vốn 4,7 tỷ USD, chiếm 89% số vốn đăng ký mới của TP. Điển hình là dự án TP Thông minh với 4,138 tỷ USD, 2 dự án công nghệ cao của Tập đoàn Nidec với 400 triệu USD, dự án xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn 90 triệu USD. Các DN Nhật Bản đã đóng góp vào ngân sách khoảng 6.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Nhật Bản là đối tác lớn thứ 3 về du lịch với trên 300.000 lượt khách, chiếm 36,7% khách du lịch vào Việt Nam. Thông qua kết quả hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch thời gian qua và kế hoạch hợp tác, phát triển thời gian tới, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư quan trọng, hàng đầu tại TP Hà Nội.
"Hà Nội là một TP thương mại, nên khi DN Nhật Bản đầu tư tại đây, các dự án ngành công nghiệp chế tạo sẽ giảm đi, thay vào đó là các dự án bán lẻ hay nhà hàng. Do đó, đầu tư của các DN Nhật Bản vào lĩnh vực dịch vụ cũng đang gia tăng nhanh chóng." - Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Ijima Isao |
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Giới thiệu những cơ hội đầu tư tại Hà Nội, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ, những năm gần đây, chính quyền TP đặc biệt quan tâm đến thu hút đầu tư và cam kết tiên phong tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng DN. Những nỗ lực cải cách hành chính của TP Hà Nội đã được cộng đồng DN ghi nhận thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng 42 bậc trong 6 năm (từ vị trí 51 năm 2012 lên vị trí thứ 9 năm 2018).
Trả lời những thắc mắc của DN Nhật Bản về môi trường đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nêu rõ: TP Hà Nội đang kêu gọi DN Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; đường sắt đô thị; du lịch; dịch vụ y tế chất lượng cao; thương mại… Để làm được điều này, TP Hà Nội cam kết tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với mục tiêu “lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ”.
“TP Hà Nội sẽ hỗ trợ DN Việt Nam và Nhật Bản hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường 2 nước; tìm kiếm các nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực để đầu tư các dự án tại Hà Nội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô“- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định.