70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội - điểm sáng kinh tế năm 2015

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định năm 2015 tiếp tục đối diện với những thách thức lớn, ngay từ đầu năm, UBND...

Kinhtedothi - Xác định năm 2015 tiếp tục đối diện với những thách thức lớn, ngay từ đầu năm, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 01 triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN. Sự vào cuộc quyết liệt ngay từ ngày đầu, tháng đầu đã góp phần không nhỏ vào kết quả chung của Hà Nội trong năm qua.

Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô được cải thiện

Giảm thời gian đăng ký thành lập DN từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc (Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai sớm quy định mới của Luật DN năm 2014); rút ngắn thời gian thông quan; ứng dụng công nghệ thông tin theo ISO 9001 trong các cơ quan hành chính; tạo điều kiện cho DN vay vốn, hỗ trợ lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; cung cấp thông tin kịp thời và dành 60 tỷ đồng cho công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho DN đăng ký tham gia tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Chỉ số cải cách hành chính của TP năm 2014 xếp thứ 3/63 tỉnh, TP; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP năm 2014 xếp thứ 23/63 tỉnh, thành, tăng 7 bậc so với năm 2013 và cao nhất trong 10 năm qua…
Dây chuyền dệt sợi tại Công ty CP Đồng Phát, khu CN Thạch Thất, Quốc Oai. Ảnh: Danh Lam
Dây chuyền dệt sợi tại Công ty CP Đồng Phát, khu CN Thạch Thất, Quốc Oai. Ảnh: Danh Lam
Những nỗ lực này đã góp phần không nhỏ, tiếp tục đà phát triển cộng hưởng suốt thời gian qua của Hà Nội. Năm 2015, GRDP trên địa bàn Thủ đô ước tăng 9,24% (cao nhất kể từ năm 2010); dịch vụ ước tăng 9,91% và nông nghiệp ước tăng 2,47%. Quy mô GRDP trên địa bàn theo giá hiện hành đạt 27,6 tỷ USD. Bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010 và gấp gần 6,4 lần so với năm 1990. Tính chung giai đoạn 2011 - 2015, tổng sản phẩm trên địa bàn Thủ đô ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước.

Đặc biệt, trong năm 2015, một loạt chỉ số như: Tổng vốn đầu tư xã hội (trên 352.000 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2014), tổng vốn huy động (đạt 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 21,85% so với đầu năm), tổng dư nợ (trên 1,21 triệu tỷ đồng, tăng 19,5% so với đầu năm) và tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ (ước tăng 11,7%) đều tăng mạnh; trong khi mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm 1,5 - 2% so với đầu năm.

Các ngành dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao, như các ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin, truyền thông và du lịch có mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng chung. Hà Nội được Tạp chí du lịch trực tuyến Trip Avisor xếp hạng điểm đến hấp dẫn thứ 4 thế giới và là một trong 10 TP có giá phục vụ ăn uống rẻ nhất thế giới và tiếp tục gia tăng lượng khách du lịch quốc tế lưu trú trên địa bàn trong năm 2015, trong khi khách quốc tế vào Việt Nam nói chung giảm so với năm trước…

Tự tin định hướng tương lai

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thủ đô đặt mục tiêu tăng GRDP bình quân là 8,5 - 9%; với dịch vụ tăng 7,8 - 8,3%, công nghiệp - xây dựng tăng 10 - 10,5%, nông nghiệp tăng 3,5 - 4%; cơ cấu kinh tế đến năm 2020 theo hướng dịch vụ chiếm 61 - 62%, công nghiệp - xây dựng: 35 - 36,5%, nông nghiệp: 2,5 - 3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 140 - 145 triệu đồng/năm; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 70 - 75% tổng số xã; tỷ lệ lao động qua đào tạo 70 - 75%...
Năm 2015, GRDP trên địa bàn Thủ đô ước tăng 9,24% (cao nhất kể từ năm 2010); dịch vụ ước tăng 9,91% và nông nghiệp ước tăng 2,47%.
Hà Nội cũng xác định rõ 5 nhiệm vụ chủ yếu và 3 khâu đột phá, tập trung vào: Phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện.
Với những tiềm năng và vị thế Thủ đô, Hà Nội đang và sẽ tập trung phát triển mạnh các dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao, với tốc độ tăng nhanh hơn mức trung bình toàn TP. Đồng thời, đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước; tập trung phát triển 59 sản phẩm công nghiệp tiêu biểu; tiếp tục hoàn thành 9 khu công nghiệp đang triển khai, tiếp tục xây dựng và mở rộng 15 khu công nghiệp khác; ưu tiên các cụm công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường và phát triển các làng nghề truyền thống theo hướng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao; kết hợp giữa phát triển các làng nghề với phát triển du lịch. Tiếp tục ổn định 69 xã chăn nuôi trọng điểm, hình thành 24 khu chăn nuôi tập trung, quy mô lớn ngoài khu dân cư; 5.000ha rau an toàn tập trung được quản lý; duy trì ổn định 34 vùng sản xuất lúa hàng hóa với tổng diện tích 25.000ha, trong đó có gần 6.000ha lúa chất lượng cao...