Hà Nội điều chỉnh hàng loạt mức phân bổ chi ngân sách

Tiến Thành- Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay (5/7), với 99/102 số đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 97,06%, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung một số định mức phân bổ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách của TP giai đoạn 2017 - 2020.

Tăng thêm 12 triệu đồng/biên chế/năm

Nói về sự cần thiết của Nghị quyết, Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải cho biết sau khi HĐND TP ban hành Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 5/12/2016, dự kiến chỉ số giá tiêu dùng năm 2017 - 2018 tăng thêm khoảng 6 - 7%. Đồng thời, ngày 31/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg trong đó đã quy định tăng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thêm khoảng 10%.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải đọc Tờ trình. Ảnh: Phạm Hùng

Do đó, việc UBND TP trình HĐND TP điều chỉnh định mức phân bổ chi khác ngân sách quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể và định mức phân bổ chi khác của đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên của TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 là cần thiết. Mức điều chỉnh được tăng thêm 12 triệu đồng/biên chế/năm.

Về chi tiết điều chỉnh cụ thể, theo Nghị quyết, đối với các cơ quan hành chính sẽ được chia làm 2 cấp. Đối với các đơn vị dự toán cấp 1 có biến chế dưới 100 sẽ được tăng từ mức 55 triệu đồng lên 67 triệu đồng/biên chế/năm; Từ biên chế thứ 100 đến dưới 200 tăng từ mức 54 triệu đồng lên 66 triệu đồng/biên chế/năm; Từ biên chế thứ 200 trở lên tăng từ mức 53 triệu đồng lên 65 triệu đồng/biên chế/năm..

Đối với các đơn vị dự toán cấp 2 có biến chế dưới 100 sẽ được tăng từ mức 52 triệu đồng lên 64 triệu đồng/biên chế/năm; Từ biên chế thứ 100 đến dưới 200 tăng từ mức 51 triệu đồng lên 63 triệu đồng/biên chế/năm; Từ biên chế thứ 200 trở lên tăng từ mức 50 triệu đồng lên 62 triệu đồng/biên chế/năm.

Với các tổ chức chính trị - xã hội sẽ có thay đổi như sau: Hội Liên hiệp phụ nữ TP, Hội Cựu Chiến binh TP, Hội Nông dân TP và Đoàn thanh niên cộng sản HCM TP Hà Nội được tăng từ mức 67 triệu đồng lên 79 triệu đồng/biên chế/năm.

Với cơ quan điều hành chung như các cơ quan thuộc Thành ủy, Văn phòng UBND TP, Văn phòng HĐND TP, Ùy ban Mặt trận Tổ quốc được tăng từ mức 73 triệu đồng lên 85 triệu đồng/biên chế/năm.

Định mức phân bổ chi khác ngân sách quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể cấp quận, huyện, thị xã cũng được điều chỉnh. Với cơ quan hành chính thuộc quận, huyện, thị xã được tăng từ mức 50 triệu đồng lên 62 triệu đồng/biên chế/năm.

Các tổ chức chính trị - xã hội quận, huyện, thị xã như Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân và Đoàn thanh niên cộng sản HCM được tăng từ mức 60 triệu đồng lên 72 triệu đồng/biên chế/năm.

Các cơ quan điều hành chung thuộc quận, huyện, thị xã như các cơ quan Đảng, văn phòng UBND, Văn phòng HĐND, Ủy ban MTTQ cũng được tăng từ mức 65 triệu đồng lên 77 triệu đồng/biên chế/năm.

Mức phân bổ chi khác đối với các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên cấp quận, huyện, thị xã được tăng từ mức 45 triệu đồng lên 57 triệu đồng/biên chế/năm. Mức khoán chi hoạt động cấp xã cho cán bộ, công chức cấp xã tăng từ mức 40 triệu đồng lên 52 triệu đồng/biên chế/năm.

Dự kiến, số kinh phí ngân sách dự kiến để thực hiện điều chính định mức của TP từ năm 2019 đến 2020 là gần 808.000 triệu đồng. Nguồn kinh phí sẽ do ngân sách nhà nước các cấp đảm bảo theo phân cấp, ngân sách TP bổ sung cân đối cho các quận, huyện, thị xã thiếu nguồn.

Xác định mức chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề

Nói về việc các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thực hiện theo cơ chế tự chủ tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải cho rằng quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Có thể kể đến như chưa có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để địa phương triển khai, mức thu học phí của khối giáo dục thường xuyên giai đoạn 2016 - 2020 chưa thực hiện theo lộ trình tính giá ...

Do đó, trong thời gian chờ Chính phủ và Bộ GD&ĐT ban hành các quy định cần thiết cũng như để đảm bảo sự thống nhất trong việc bố trí nguồn ngân sách đảm bảo chi hoạt động thường xuyên cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, TP cần có quy định định mức chi ngân sách thường xuyên đối với khối giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề phổ thông.

Theo Nghị quyết, đối với giáo dục thường xuyên (gồm: Học viên xóa mù chữ và phổ cập tiểu học; học viên chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở; học viên chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông) có định mức chi ngân sách thường xuyên là 3.520.000 đồng/học viên/năm.

Đối với giáo dục nghề phổ thông (gồm: Học sinh học nghề phổ thông cấp trung học cơ sở; học sinh nghề phổ thông cấp trung học phổ thông) có định mức chi ngân sách thường xuyên là 790.000 đồng/học viên/năm.

Nguồn kinh phí sẽ do ngân sách cấp quận, huyện, thị xã đảm bảo.