Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội điều chỉnh luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đúng quy hoạch

Linh Đan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/12, tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã trả lời câu hỏi của ĐB liên quan đến việc sắp xếp điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách (VTHK) liên tỉnh trên địa bàn TP.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết: “Bộ GTVT đã có Quyết định số 2288 ngày 26/6/2015 và Quyết định số 3848 ngày 29/10/2015, phê duyệt quy hoạch chi tiết luồng tuyến VTHK liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Căn cứ vào quy hoạch chi tiết kèm thèo thì trên địa bàn TP Hà Nội có 668 tuyến kết nối từ 5 bến xe: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Nước Ngầm, Yên Nghĩa đến 42 tỉnh, TP trên cả nước.

Hiện nay, các luồng tuyến vận tải liên tỉnh đã thực hiện theo đúng quy hoạch đã được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt. Các đồng chí đại biểu HĐND TP nói là có nhiều luồng tuyến sai quy hoạch là không đúng.

Tuy nhiên, Và đúng như đồng chí đại biểu HĐND TP có nêu, năm 2013 khi đụng đến vấn đề điều chuyển luồng tuyến của tuyến Mỹ Đình mà báo chí rất sôi động thì sau đó chúng ta đã mở rộng bến xe Mỹ Đình đáp ứng một phần nhu cầu. Sau đó, trong năm 2014, chúng ta đã làm quy hoạch chi tiết để trình Bộ trưởng GTVT phê duyệt, ổn định các luồng tuyến trên địa bàn TP cho đến nay, đảm bảo vận chuyển hành khách trên địa bàn TP Hà Nội đi các tỉnh, TP đối lưu.

Tuy nhiên theo định hướng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, luồng tuyến được quy hoạch theo hướng đi và hướng bến đến. Cụ thể, đối với các khu vực phía Nam thì cố gắng bố trí xe vào các bến: Giáp Bát, Nước Ngầm; khu vực phía Tây, là bến xe Mỹ Đình; khu vực phía Bắc là bến xe Gia Lâm... Trong quá trình rà soát theo định hướng này, có một số luồng tuyến hiện nay chưa được sắp xếp đúng.

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu chúng tôi rà soát để đảm bảo thực hiện đúng định hướng quy hoạch. Trước mắt ưu tiên đảm bảo sắp xếp hợp lý, khoa học, chống UTGT trên địa bàn TP. Giai đoạn này, nhu cầu đi lại của Nhân dân rất lớn nên chúng ta cũng cố gắng giữ luồng tuyến VTHK liên tỉnh ổn định.

Sở GTVT cùng Công an TP, Tổng cục Đường bộ và các cơ quan của Bộ GTVT đã tiến hành rà soát rất kỹ càng. Chúng tôi đã xây dựng nguyên tắc để sắp xếp luồng tuyến VTHK liên tỉnh, đảm bảo phục vụ Nhân dân trên địa bàn của TP Hà Nội cũng như trên địa bàn cả nước. Trước tiên sẽ phải rà soát và sắp xếp lại các luồng tuyến đang đi sai định hướng quy hoạch, đi vào những tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn, dễ gây UTGT; đặc biệt tập trung vào khu vực đường Vành đai 3.

Đường Vành đai 3 trước khi hợp nhất vốn là đường ngoại ô, nhưng khi Hà Nội và Hà Tây hợp nhất thì nó lại trở thành đường nội đô. Khu vực này trước đây giao thông rất thuận lợi, nhưng hiện lại là tuyến đường dễ gây UTGT nhất. Chính vì thế chúng tôi tập trung rà soát những tuyến VTHK liên tỉnh đi từ Mỹ Đình đến phía Nam hoặc là các tuyến từ Bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát đi sang khu vực phía Bắc qua tuyến này để cố gắng điều chỉnh.

Cụ thể, đối với các tuyến từ Mỹ Đình đi phía Nam toàn bộ sẽ đưa về 2 Bến xe: Nước Ngầm và Giáp Bát; những tuyến từ bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát đi lên phía Bắc mà chạy qua đường Vành đai 3 thì điều chỉnh về bến xe Nước Ngầm. Lượng xe chạy qua đường Vành đai 3, từ nút giao Big C - Trung Hòa đến Pháp Vân - Cầu Giẽ đang được điều chỉnh giảm.

Quá trình điều chỉnh, sắp xếp lại, báo cáo các đại biểu đều liên quan động chạm đến các tỉnh, các hiệp hội. UBND các tỉnh, các hiệp hội đã gửi thư đến Thủ tướng; Thủ tướng giao lại cho TP Hà Nội và chúng tôi đã báo cáo, trả lời lại các tỉnh.

Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với Tổng cục đường bộ Việt Nam cùng các cơ quan của Bộ GTVT, rà soát và xây dựng xong phương án điều chỉnh luồng tuyến VTHK liên tỉnh để đảm bảo hạn chế UTGT. Chúng tôi cũng đã báo cáo tập thể UBND TP, thống nhất để báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT, để thống nhất quan điểm phối hợp liên quan đến vấn đề này.

Trong quy hoạch về luồng tuyến vận tải được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt có quy định thời gian điều chỉnh luồng tuyến là vào tháng 12 và tháng 6 hàng năm.. Tuy nhiên, để ổn định việc đi lại của Nhân dân trong dịp Tết này, chúng tôi thống nhất với Tổng cục Đường bộ sẽ bắt đầu điều chuyển luồng tuyến từ 1/3/2017.

Chủ tịch HĐND TP nhắc nhở Giám đốc Sở GTVT, đại biểu hỏi là điều chỉnh có chậm không? Trách nhiệm thuộc về ai?

Giám đốc Sở GTVT trả lời: Đúng là theo dự kiến có chậm so với phương án. Trước đây chúng ta có phương án đề xuất ban đầu điều chuyển luồng tuyến các tỉnh Nghệ An, Gia Lai, Đắk Lắk, Thanh Hóa sang khu vực bến xe Nước Ngầm khoảng 88 lượt/tuyến ngày. Tuy nhiên khi điều chuyển như vậy, các hiệp hội và 4 tỉnh có thư gửi Thủ tướng; Thủ tướng đã giao về Hà Nội để xem xét lại.

Chúng tôi có xem xét lại thì phương án đó không đảm bảo được tiêu chí: công bằng giữa các tỉnh, TP, không đảm bảo điều chuyển đồng bộ giữa các luồng tuyến. Cả phía Nam và phía Bắc hiện nay đều có lộ trình bám theo Vành đai 3, mà chúng ta chỉ lựa chọn 4 tỉnh thì chưa đồng bộ. Tiếp nữa, các tuyến gây UTGT lại là tuyến chạy đêm, dù có điều chuyển cũng chưa đảm bảo mục tiêu quy hoạch, chưa giảm được UTGT. Chúng tôi đã báo cáo việc này với Chủ tịch UBND TP; Chủ tịch yêu cầu tháng 8 phải rà soát đồng bộ.

Do khối lượng rà soát rất lớn nên Sở và cơ quan của Bộ phải chia làm nhiều lần, đồng thời làm việc với các hiệp hội, các bến xe. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm làm chậm đề xuất để báo cáo TP và Bộ. Chúng tôi thấy, tuy có chậm nhưng Hà Nội không chủ động được điều này, sau khi làm xong còn phải đề xuất với Bộ và Bộ quy định thời điểm rõ ràng là 31/6 và tháng 12 năm 2016. Kỳ này chúng tôi đã làm xong phương án và trình Bộ GTVT để điều chỉnh đúng quy định vào tháng 12/2016.

ĐB Hoàng Thị Thúy Hằng tái chất vấn, đồng chí có trao đổi về Quy hoạch luồng tuyến đang thực hiện theo Quyết định 2288 của Bộ GTVT năm 2015 và đồng chí cũng nói là không sai so với quy hoạch nhưng nhận định của ĐB là trên căn cứ theo Quyết định 2288, quy định việc bố trí luồng tuyến của Hà Nội theo nhu cầu và theo hướng tuyến, tính kết nối giữa các mạng lưới giao thông, các tuyến cụ thể như sau: các tuyến QL1, QL1B đi vào Gia Lâm, các tuyến đường Hồ Chí Minh, QL6 đi vào bến xe Yên Nghĩa, các tuyến đi theo QL32 đi vào đường cầu Thăng Long, bến xe Mỹ Đình.... Quy định rất cụ thể các hướng tuyến như vậy chính vì thế đối chiếu với các quy định này và hiện nay qua rà soát và chính Sở GTVT đã có báo cáo số 583 gửi Bộ GTVT và Tổng cục đường bộ Việt Nam xin điều chỉnh một số tuyến đang sai so với hướng tuyến.

Cụ thể, ví dụ tại bến xe Giáp Bát có các tuyến đi Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, các tuyến này theo Quyết định 2288 thì phải vào bến xe Mỹ Đình, tương tự như vậy còn có bến xe Gia Lâm…. Chúng tôi hoàn toàn thấy rằng bến xe YênNghĩa, Gia Lâm, Giáp Bát đang có những tuyến xe cần điều chỉnh theo Quyết định 2288. Nếu Sở GTVT chưa nhận diện rõ chúng ta còn đang sai so với hướng tuyến thì đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chúng ta chậm điều chỉnh trong thời gian qua.

Giám đốc Sở GTVT trả lời ý kiến của đại biểu Hằng, trong Quyết định 2288 ngày 26/6/12015 của Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch luồng tuyến, Điều 1 có nói phê duyệt quy hoạch luồng tuyến phải trên cơ sở ổn định luồng tuyến vận tải. Và ổn định đường tuyến vận tải đến năm 2020, còn mục đồng chí vừa đọc là theo định hướng của luồng tuyến sau năm 2020. Chúng ta chưa nói đến chuyện điều chỉnh đúng tuyến, Hà Nội mới đang yêu cầu là điều chuyển hướng tuyến theo định hướng quy hoạch. Còn đồng chí đọc là định hướng quy hoạch sau 2020 và trong quy hoạch được phê duyệt thì Bộ trưởng quy định ổn định các luồng tuyến hiện nay đến năm 2020, còn các định hướng sau 2020 và tuyến mới bổ sung ngoài các tuyến đã được quy hoạch thì phải theo định hướng này.

Tuy nhiên, hiện Hà Nội đang cần giải quyết UTGT nên Hà Nội báo cáo với Bộ GTVT để Bộ thống nhất cho chủ trương điều chỉnh hướng tuyến theo định hướng quy hoạch. Bên cạnh đó, các hiệp hội vẫn nói, theo quy hoạch thì chúng tôi đang hoạt động ổn định đến năm 2020, tại sao bắt chúng tôi điều chuyển? Hà Nội trả lời rằng, chúng tôi đang rà soát lại những tuyến chưa đúng theo định hướng quy hoạch, gây UTGT cho TP, những tuyến này phải điều chỉnh. Mà nếu không đúng quy hoạch thì chắc chắn không ổn rồi, chúng ta đang thực hiện chạy đúng quy hoạch được Bộ phê duyệt.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nhận xét: Việc điều chỉnh luồng tuyến là cần thiết, Hà Nội đang triển khai các bước và có chậm, tuy nhiên chậm vì nhiều lý do, vì liên quan đến xe liên tỉnh vào Hà Nội, liên quan đến các tỉnh và Bộ phải phê duyệt quy hoạch. Một bên đồng chí Giám đốc nói theo hướng các vấn đề đang được triển khai thực hiện và một bên hỏi theo hướng sẽ điều chuyển.

GĐ Sở GTVT trả lời ĐB Đình Đoàn: Về quy hoạch tổ chức giao thông cho Hà Nội, chúng tôi tổ chức hội thảo có 264 đại biểu tham gia. Các đại biểu và nhà quản lý đóng góp rất nhiều giải pháp. Trong đó có 6 giải pháp cơ bản để đảm bảo chống UTGT lâu dài gồm: Đầu tư kết cấu giao thông đồng bộ, hạ tầng giao thông; Phát triển hệ thống giao thông công cộng, hiện nay chúng ta đang triển khai được 2/6 tuyến đường sắt đô thị; Tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, phù hợp với thực tế, về việc này, UBND TP đang tổ chức các cuộc thi để tìm ra giải pháp giao thông; Quản lý, tổ chức điều hành hệ thống giao thông thông minh; Quản lý phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, xe máy và các phương tiện khác, có lộ trình giảm dần xe máy và tiến tới dừng xe máy ở khu vực nội đô; Kết hợp tuyên truyền giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật với xử lý nghiêm vi phạm.