Tăng tốc chuyển đổi số
Thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chuyển đổi số trong hầu hết các lĩnh vực. Mới đây, theo "Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - DTI cấp bộ, cấp tỉnh năm 2023" của Bộ TT&TT, TP Hà Nội đã tăng 18 bậc, xếp thứ 6 trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, TP về chuyển đổi số.
Như vậy, sau nhiều năm, Hà Nội đã trở lại vị trí tốp 10 tỉnh, TP dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số, dẫn đầu về kinh tế số; đứng thứ 4 về xã hội số và thứ 7 về thể chế số…
Để có được kết quả trên, TP đã tiên phong hợp nhất ba ban chỉ đạo (Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030") thành một Ban Chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban.
Mô hình này được triển khai ở tất cả các cấp, đồng thời, TP đã thành lập và vận hành 5.034 tổ chuyển đổi số cộng đồng với hơn 30.000 thành viên tại cơ sở. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển các hệ thống nền tảng quan trọng trong công tác quản lý như xây dựng hệ thống thông tin báo cáo số, ký số toàn hệ thống 3 cấp, phòng họp thông minh không giấy tờ (iCabinet)…
Bên cạnh đó, việc Trung tâm Phục vụ hành chính công chính thức đi vào hoạt động với phương châm "hành chính thông minh-tận tâm phục vụ"; hướng tới "3 phi" gồm "phi địa giới hành chính-phi trung gian-phi vật chất" đã góp phần không nhỏ trong quá trình chuyển đổi số của thành phố. Trung tâm đã nâng cấp gần 1.200 dịch vụ công trực tuyến và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; sử dụng ứng dụng Chatbot hỗ trợ; triển khai mô hình Đại lý dịch vụ công trực tuyến thông qua hệ thống các DN bưu chính và sắp xếp lại mạng lưới bộ phận "một cửa" tại 30 quận, huyện…
Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, TP đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, ứng dụng số để phục vụ người dân, DN. Cuối năm 2024, Hà Nội đã khai trương và đưa vào vận hành Trung tâm Dữ liệu chính thành phố trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây hiện đại, với hơn 300 hệ thống ứng dụng kết nối an toàn với 14 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia và các bộ, ngành.
Năm 2025, Sở TT&TT tiếp tục phối hợp với Cục Viễn thông, Bộ TT&TT hướng dẫn các DN phát triển mạng di động 5G và băng rộng cố định làm nền tảng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, đề xuất việc xây dựng bổ sung các chuyên mục trên nền tảng ứng dụng Công dân Thủ đô số - iHanoi, như "Sản phẩm công nghệ số Việt Nam"; "Kinh nghiệm chuyển đổi số" góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đến từng người dân và toàn xã hội…
Tập trung vào 3 "trụ cột"
Theo Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội Cù Ngọc Trang, góp phần vào sự thăng hạng trên bảng xếp hạng chỉ số đánh giá chuyển đổi số xuất phát từ việc TP tập trung chỉ đạo xây dựng một chiến lược chuyển đổi số đồng bộ, tập trung vào 3 trụ cột chính: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Trụ cột chính quyền số được xác định tập trung phát triển để nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành, Hà Nội đã hoàn thiện nhiều hệ thống dữ liệu dùng chung, giúp tăng cường hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ công. Trong đó, thành phố đã triển khai hạ tầng trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, bảo đảm an toàn thông tin và nâng cao khả năng lưu trữ, phân tích dữ liệu. Đặc biệt, thành phố miễn phí lệ phí dịch vụ công trực tuyến, khuyến khích người dân sử dụng nền tảng số.
Ở trụ cột kinh tế số, điểm nhấn là TP hợp tác với các DN để thúc đẩy thanh toán điện tử, giảm thiểu giao dịch tiền mặt, tăng tính minh bạch trong nền kinh tế. Các lĩnh vực như thuế, bảo hiểm xã hội, học phí, viện phí đều được tích hợp thanh toán trên môi trường số.
Đáng chú ý, việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và thực hiện thu thuế điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác hỗ trợ người nộp thuế là điểm nhấn. Trong đó, thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử đạt gần 40.000 tỷ đồng năm 2024, tăng 32%. Đồng thời, Hà Nội cũng tổ chức nhiều chương trình đào tạo kỹ năng số cho DN, giúp họ tiếp cận thị trường trực tuyến, thương mại điện tử…
Về xã hội số, thành phố khuyến khích việc cấp chữ ký số miễn phí cho người dân để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Đến hết năm 2024, đã có trên 3.600 chữ ký số cho cơ quan, đơn vị; 72.330 chữ ký số cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng trên các hệ thống thông tin của thành phố; khoảng 1.105.300 người dân, DN đã có chữ ký số công cộng.
Chỉ số DTI của Hà Nội vươn lên vị trí thứ 6 là cả một quá trình nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị thành phố. Nhờ một chiến lược chuyển đổi số đồng bộ, tập trung vào hạ tầng số, dịch vụ công trực tuyến, kinh tế số và xã hội số, đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đồng thời giúp người dân, DN tiếp cận công nghệ số dễ dàng hơn. Đây cùng là cơ sở quan trọng để Hà Nội tiếp tục phấn đấu hướng đến mục tiêu trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số vào năm 2025.