Sáng 29/6, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đã chủ trì cuộc giao ban Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý 2/2023.
Một trong những nội dung được thảo luận, xem xét tại hội nghị là công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội.
Xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường cho biết, trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã được Thành phố quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả nhất định.
Cụ thể, công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố ngày được cải thiện, tỷ lệ được thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%, khu vực nông thôn đạt hơn 90% (đạt và vượt mục tiêu theo quy hoạch đến năm 2030: Tỷ lệ thu gom khu vực đô thị khoảng 90% - 100%, nông thôn khoảng 80% - 95%).
Các cấp chính quyền đã sát sao hơn trong việc quản lý, giám sát, thanh kiểm tra duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn; triển khai cơ giới hóa trong công tác thu gom vận chuyển. Thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm cải tạo hạ tầng các khu xử lý đáp ứng hạ tầng kỹ thuật tiếp nhận đảm bảo an toàn chôn lấp rác, xử lý nước rác; đôn đốc tiến độ hoàn thành các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại đốt và thu hồi năng lượng để phát điện (Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã được cấp phép cho giai đoạn 1, 2 với công suất tiếp nhận rác, xử lý đốt rác phát điện khoảng 3.000 tấn/ngày).
Chưa đồng bộ phương thức thu gom rác
Cùng với kết quả đã đạt được, trong báo cáo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố còn tồn tại một số hạn chế cần giải quyết. Theo đó, việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 còn nhiều khó khăn với các yêu cầu về phân loại rác, thay đổi phương pháp tính giá dịch vụ xử lý rác theo thể tích hoặc khối lượng; những yêu cầu đổi mới cần được đưa vào gói thầu duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn các quận, huyện được thực hiện từ năm 2024 để đạt hiệu quả trong công tác thu gom và vận chuyển rác.
Việc điều chỉnh Quy hoạch chất thải rắn Thủ đô tích hợp trong Quy hoạch chung còn chậm; chưa đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng với phương thức thu gom như: phương tiện thu gom phù hợp với đổi mới công nghệ; cần thêm các trạm trung chuyển để tái chế, phân loại và xử lý rác thải. Việc kêu gọi và đầu tư các nhà máy đốt rác phát điện cần đáp ứng được tiến độ và chuyển đổi công nghệ từ chôn lấp sang đốt rác có thu hồi năng lượng phát điện, giảm thiểu quãng đường vận chuyển rác đảm bảo theo phân vùng trong quy hoạch.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao năng lực quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố, Thành ủy yêu cầu các cấp, ngành của Thành phố tiếp tục chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành hướng dẫn về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Qua đó làm cơ sở pháp lý để UBND Thành phố ban hành Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và xây dựng và hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá, giá dịch vụ vệ sinh môi trường phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường.
Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao vai trò, chịu trách nhiệm quản lý VSMT trên địa bàn đúng theo phân cấp; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đổ trộm, trộn lẫn chất thải. Đồng thời, quản lý chặt chẽ năng lực các đơn vị duy trì VSMT và xem xét, đề xuất, giải quyết kịp thời các khó khăn của đơn vị nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Chủ động các nội dung về tiêu chí và điều kiện pháp lý trong việc lựa chọn nhà thầu trong giai đoạn 2024 – 2025. Đây là thời gian chuyển giao khi chưa thực hiện được đồng bộ việc phân loại rác thải tại nguồn. Đổi mới quy trình thu gom vận chuyển theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Đối với định hướng về giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải rắn: chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến ban hành trong năm 2023, mục tiêu trong năm 2025 triển khai trên địa bàn Thành phố. Trước mắt, chỉ đạo xây dựng và thí điểm mô hình đổi mới công nghệ kết hợp với phân loại rác thải tại nguồn 5 quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Nam Từ Liêm song song với việc xây dựng, ban hành các quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Xác định công tác quản lý rác thải sinh hoạt phát sinh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị xã hội, các cấp ủy, HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã phải vào cuộc quyết liệt; Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan toả các mô hình phân loại, hiệu quả đối với cá nhân tập thể; tạo hiệu ứng tốt về giữ gìn VSMT trong xã hội.
Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát hiện trạng quản lý vận hành các Khu xử lý Nam Sơn, Xuân Sơn; tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo chủ động tiếp nhận, xử lý khối lượng rác thải đến năm 2025 trong điều kiện các dự án đốt rác phát điện còn chưa hoàn thành, đảm bảo việc tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Thành phố không bị gián đoạn.
Chỉ đạo UBND các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, thị xã Sơn Tây đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn công tác vận hành các khu xử lý; khẩn trương hoàn thành các dự án giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường, giải quyết các kiến nghị của người dân. UBND huyện Ba Vì tập trung giải quyết kiến nghị người dân, phải đảm bảo thông suốt công tác tiếp nhận tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn trước ngày 10/07/2023.
Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo hoàn thành tích hợp các nội dung điều chỉnh Quy hoạch chất thải rắn trong quá trình điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội trên cơ sở đảm bảo phù hợp với thực tiễn, hiện trạng phát sinh chất thải rắn và định hướng phát triển kinh tế xã hội của 30 quận, huyện, thị xã, phù hợp với các quy định của Luật bảo vệ Môi trường năm 2020.
Chỉ đạo hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá lại năng lực của các nhà đầu tư đã được cấp chủ trương dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn Thành phố nhưng chưa triển khai, thực hiện thu hồi đối với các nhà đầu tư không đủ năng lực.
Tiếp tục đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư Nhà máy điện rác Sóc Sơn chính thức hoàn thành giai đoạn 3 nâng công suất tiếp nhận từ 3.000 tấn/ngày lên 4.000 tấn/ngày; đẩy mạnh tiến độ thi công Nhà máy điện rác Seraphin hoàn thành tiếp nhận rác vào quý I/2024; Khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Núi Thoong vào quý IV/2023.
Chỉ đạo hoàn thành các dự án hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng để đủ điều kiện kêu gọi đầu tư các dự án nhà máy xử lý rác tại khu vực phía Nam (Châu Can), phía Đông (Phù Đổng), phía Tây (Đồng Ké) theo quy hoạch.
Phân công rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể trong việc chỉ đạo, điều hành; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các nội dung chỉ đạo để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đảm bảo công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố, hoạt động của các khu xử lý tập trung.
Tăng cường công tác tuyên truyền để tổ chức, người dân tích cực tham gia, hưởng ứng chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; đồng thời kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường, vứt rác thải bừa bãi không đúng nơi quy định...