Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Đồng hành cùng thanh niên đẩy mạnh chương trình OCOP

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/12, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội phối hợp với Thành đoàn Hà Nội, báo Tuổi trẻ Thủ đô, Huyện đoàn Gia Lâm tổ chức chương trình “Hội thảo Thanh niên khởi nghiệp với chương trình OCOP thành phố Hà Nội” năm 2020.

 Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo
Vươn tới OCOP 4 - 5 sao
Chương trình được tổ chức nhằm tiếp tục cổ vũ, hỗ trợ thanh niên phát huy vai trò xung kích, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội; Tích cực tham gia chương trình OCOP; Tạo cơ hội cho thanh niên được trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp thông qua các chương trình tập huấn, tuyên truyền; Hỗ trợ hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm; ươm mầm phát triển đội ngũ doanh nghiệp, có triển vọng phát triển tốt trong tương lai.

Chương trình cũng tạo môi trường, điều kiện kết nối cho thanh niên Hà Nội với các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, chính quyền địa phương, tạo thuận lợi trong sản xuất và thương mại hóa sản phẩm - dịch vụ nông, lâm nghiệp, thủy sản địa phương.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng nhấn mạnh: Thực hiện chương trình công tác của Đoàn Thanh niên thành phố gia, báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội tổ chức chương trình hội thảo “Thanh niên khởi nghiệp với chương trình OCOP” tại các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, đặc biệt Gia Lâm là nơi có rất nhiều sản phẩm đăng ký đạt chứng nhận OCOP.

Với mục tiêu để huyện Gia Lâm có ngày càng nhiều hơn nữa sản phẩm được thành phố đánh giá phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Mạnh Hưng tin tưởng đoàn viên, thanh niên được các chuyên gia cung cấp nhiều kiến thức bổ ích. Từ đó, các bạn trẻ áp dụng vào thực tiễn để ngày càng nhiều mô hình trên địa bàn Gia Lâm được công nhận là sản phẩm OCOP và hướng tới đạt sản phẩm OCOP ở cấp 3 - 4 đến 5 sao trong thời gian sớm nhất.
 Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng chủ trì hội thảo

Cùng gỡ khó cho thanh niên

Tại chương trình, đoàn viên, thanh niên được nghe chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp của 4 mô hình, sản phẩm tiêu biểu thuộc huyện Gia Lâm: Trung tâm phát triển hoa cây cảnh; Mô hình sản phẩm nông sản 3 miền; Mô hình sản phẩm tinh bột nghệ, tinh dầu “Bà Bé” và Rau an toàn xã Văn Đức.

Đặc biệt, các bạn trẻ được Thạc sĩ Trịnh Hải Vân - giảng viên Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, chuyên gia tư vấn chương trình OCOP chia sẻ thông tin cơ bản về chương trình OCOP; Sản phẩm và câu chuyện sản phẩm OCOP; Vai trò của Đoàn Thanh niên trong OCOP... Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng giúp đoàn viên, thanh niên giải đáp thắc về chương trình OCOP.

Bạn Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Bí thư Đoàn xã Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Kim Lan có làng nghề gốm sứ từ lâu đời, vậy làm thế nào để đạt OCOP, chủ thể tham gia chương trình OCOP sẽ đạt được lợi ích gì? Chúng tôi phải đối mặt khó khăn gì về đầu ra. Đặc biệt, các chuyên gia có thể chia sẻ kinh nghiệm để giải quyết khó khăn đó?".

Câu hỏi này đã được chuyên gia tư vấn chương trình OCOP Trịnh Hải Vân giải đáp. Theo chị Vân, chương trình OCOP hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty ở địa phương. Các bạn muốn đạt được chứng nhận OCOP nên phát triển thành lập hợp tác xã để có thể liên kết. Hợp tác xã hiện nay đang là đối tượng được ưu tiên nhất trong chương trình OCOP. Chủ thể tham gia chương trình OCOP sẽ phát huy được năng lực, tăng tính chủ động, sáng tạo. OCOP cũng hướng đến sản phẩm mới công nghệ cao, nâng cao giá trị, hỗ trợ tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại.
 Các đại biểu tham quan gian khu trưng bày tại hội thảo
Bên cạnh đó, thắc mắc về vay vốn, cơ chế chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nhận được sự quan tâm của nhiều đoàn viên, thanh niên.

Anh Lý Duy Xuân, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết: Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là chủ trương lớn của Chính phủ và thành phố Hà Nội cũng đang triển khai rất tích cực, trong đó Đoàn Thanh niên là lực lượng xung kích.

Trung ương Đoàn, Thành đoàn Hà Nội đã và đang hỗ trợ thanh niên trong công tác vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, các đoàn viên, thanh niên làm chủ hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá thể có nguồn vay rất lớn, có tài sản đảm bảo, mức vay có thể lên đến 2 tỷ đồng. Mức vay vốn và thời hạn tối đa do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét.

Đoàn Thanh niên từ Trung ương tới cơ sở luôn đồng hành cùng thanh niên phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là chương trình OCOP.

PGS. TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả chia sẻ, đất nước ta là nước nông nghiệp, thế mạnh về nông nghiệp rất lớn. Từ một nước nghèo, bây giờ Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đứng top đầu trên thế giới. Nay đi đến đâu chúng ta cũng thấy sản phẩm nông nghiệp rau, củ quả, lương thực của Việt Nam trên thế giới, mang lại thu nhập cao cho người dân. Đó là cơ hội cho các bạn trẻ.

Hơn nữa, nông nghiệp không vất vả như trước đây mà đã áp dụng công nghệ 4.0, có thể điều khiển bằng điện thoại... những tiến bộ đó là bệ phóng để ngành nông nghiệp của chúng ta cất cánh.

Truyền lửa cho các bạn đoàn viên, thanh niên trong khởi nghiệp, đại diện Công ty Nông sản ba miền cho biết, khi khởi nghiệp, các bạn trước hết cần có ý tưởng, xuất phát từ mong muốn, đam mê và quyết tâm thực hiện. Đây là những yếu tố tiên quyết trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp.