Hà Nội: Đồng loạt diễn tập đón học sinh trở lại trường

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đồng ý cho học sinh khối 7 đến 12 đi học trở lại từ ngày 8/2. Các đơn vị trường học trên địa bàn TP đã tổ chức diễn tập phương án và chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đảm bảo an toàn đón học sinh.

Diễn tập quy mô rộng

Nếu các lần trước, Hà Nội tổ chức thu hẹp đối tượng học sinh được đến trường (khối 9 ngoại thành và khối 12 học luân phiên) thì lần này, quy mô học sinh được đến trường ở diện rộng, số lượng đông nên đòi hỏi cao hơn ở công tác kiểm soát phòng dịch, đảm bảo an toàn.

Diễn tập công tác tổ chức đón học sinh tại trường THCS Lê Quý Đôn, quận Hà Đông
Diễn tập công tác tổ chức đón học sinh tại trường THCS Lê Quý Đôn, quận Hà Đông

Theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các trường học trên địa bàn đã thực hiện diễn tập công tác đón học sinh. Căn cứ các tình huống diễn tập điểm tại trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình), các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã đã tổ chức cho trường học diễn tập phương án, tình huống để đảm bảo chủ động xử lý mọi tình huống khi học sinh đi học trực tiếp. Về cơ bản, công tác diễn tập vẫn gồm các bước: Phụ huynh đưa học sinh đến cổng trường; học sinh đo thân nhiệt, khử khuẩn, học sinh vào lớp học; giáo viên phát hiện trường hợp ho sốt nghi nhiễm Covid- 19; xử lý ca nhiễm/nghi nhiễm tại lớp; rà soát F1 khi F0 xin phép nghỉ học tại nhà; học sinh ra về, lực lượng chức năng đảm bảo trật tự khu vực cổng trường.

Buổi diễn tập tại trường THCS Lê Quý Đôn (quận Hà Đông) có sự tham gia của hiệu trưởng các trường THCS, THPT trên địa bàn quận. Với các tình huống và phương án xử lý được đưa ra cùng buổi họp rút kinh nghiệm, các hiệu trưởng đã lĩnh hội được nhiều bài học quý trong việc tổ chức cho học sinh trở lại trường. Nhà giáo Kiều Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi (quận Hà Đông) cho biết, việc học sinh trở lại trường là tất yếu nhưng bảo vệ sức khỏe cho các em là vấn đề quan trọng nhất. Học sinh từ khối 7 trở lên đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid- 19 và hầu hết phụ huynh cũng muốn con em mình được đến trường nhưng luôn đề cao yếu tố an toàn phòng dịch. Do đó, buổi diễn tập phương án đón học sinh có ý nghĩa rất thiết thực; các cán bộ quản lý, cán bộ y tế đến để trực tiếp chứng kiến các tình huống thường gặp và tình huống đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra; sẵn sàng phương án ứng phó mà không bị động, lúng túng; từ đó tuyên truyền để phụ huynh và học sinh yên tâm.

Trước đó, đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường sau Tết Nguyên đán đã được Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm các lớp thông qua tại buổi họp phụ huynh sơ kết học kỳ 1. Tất cả đều theo dõi, mong chờ quyết định của TP và đến nay, đề xuất đó đã chấp thuận.

Chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch

Ngoài diễn tập, các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên- giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP đều lên kế hoạch chi tiết, kỹ lưỡng về vấn đề đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, công tác chuyên môn… đón học sinh. Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) Tô Thị Hải Yến cho biết, để chuẩn bị tổ chức cho học sinh học trực tiếp sau thời gian dài học online, yếu tố an toàn phòng chống dịch Covid- 19 luôn được đặt lên hàng đầu và nhà trường đã chuẩn bị mọi điều kiện chu đáo, kỹ lưỡng về cả nhân lực, vật lực để sẵn sàng đón học sinh.

Học sinh vào lớp hoặc khi tan học luôn đảm bảo khoảng cách an toàn
Học sinh vào lớp hoặc khi tan học luôn đảm bảo khoảng cách an toàn

Căn cứ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên ngành và tình hình thực tế, trường đã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch của trường gồm các thành viên: Ban giám hiệu, Ban phụ trách đội, Chi đoàn giáo viên, Khối trưởng chủ nhiệm, Bộ phận y tế do hiệu trưởng làm trưởng ban. Trường cũng thành lập đội thanh niên tình nguyện, phản ứng nhanh mà nòng chốt là các giáo viên trẻ để giải quyết tình huống đột xuất, phát sinh liên quan công tác phòng chống dịch, đảm bảo tuyệt đối cho học sinh; ra văn bản hướng dẫn chi tiết về các điều giáo viên, phụ huynh học sinh, giám thị, bảo vệ cần làm khi học sinh đến trường và thông tin đến từng đối tượng qua nhiều kênh.

Về cơ sở vật chất, trường rà soát, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch cho học sinh, giáo viên; chuẩn bị 3 phòng học đáp ứng việc dạy học trực tuyến mỗi khối (7,8,9) dành cho những học sinh không thể đến trường học trực tiếp, bảo đảm để các em không bị chậm tiến độ chương trình.

Về chuyên môn, trường đã hoàn thành việc sắp xếp thời khóa biểu kết hợp giữa hình thức học trực tuyến (với khối 6) và học trực tiếp (với khối 7,8,9), có lịch học trực tuyến cho học sinh khối 7,8,9 không thể tham gia học trực tiếp; thống nhất với giáo viên các tổ nhóm chuyên môn có kế hoạch bồi dưỡng, ôn tập kiến thức cho từng đối tượng học sinh, nhất là học sinh khối lớp 9, phối hợp phụ huynh động viên, giám sát, bảo đảm các em đạt kết quả cao trong kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương, ngành GD&ĐT luôn mong muốn các em sớm được quay trở lại học trực tiếp thay vì trực tuyến như hiện nay. Được học trực tiếp sẽ giúp việc tương tác giữa thầy với trò, giữa học sinh với nhau và khả năng tiếp thu bài của các em thuận lợi hơn. Để thực hiện được điều đó, các bậc phụ huynh và học sinh cần tiếp tục thực hiện tốt khuyến cáo "5K" của ngành Y tế để tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình”.

 

5 nguyên tắc thực hiện

Tờ trình số 148/TTr- SGDĐT ngày 19/1/2022 về việc cho học sinh trở lại trường học sau thời gian dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid- 19 của Sở GD&ĐT Hà Nội có nêu 5 nguyên tắc thực hiện:

Thứ nhất, chỉ tổ chức dạy học trực tiếp ở các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, các địa bàn mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến; nhà trường có trách nhiệm phân công giáo viên dạy học cho các em.

Thứ hai, trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo các tiêu chí tại Hướng dẫn Liên ngành số 3668/HDLN: SGDĐT-SYT ngày 25/10/2021 của Sở GD&ĐT và Sở Y tế.

Thứ ba, giáo viên chưa tiêm đủ vaccine phòng chống Covid- 19 theo quy định của ngành Y tế chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp; không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân; chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 01 buổi/ngày. 

Thứ tư, trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, nhà trường chủ động xử lý theo hướng dẫn và báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương xem xét để đảm bảo an toàn.

Thứ năm, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 cấp quận/huyện/thị xã phê duyệt phương án cụ thể cho học sinh đi học trở lại của các trường học và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước lãnh đạo TP về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.