Hà Nội: Động lực mới để tiếp tục nâng cao hơn hiệu quả hoạt động của HĐND

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại TP Hà Nội” ban hành trong thời điểm này, được đánh giá rất “đúng”, “trúng”...

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại Kỳ họp thứ 4 HĐND TP khóa XVI
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại Kỳ họp thứ 4 HĐND TP khóa XVI

Đúng và trúng

Những năm qua, thực hiện phương châm hoạt động “Đổi mới - Sâu sát - Khoa học - Hiệu quả ”, HĐND các cấp TP Hà Nội đã chủ động, năng động, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở TP, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng phát triển Thủ đô. Dù vậy, Thường trực HĐND TP đánh giá, chất lượng hoạt động của HĐND vẫn chưa đồng đều, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ ở cả ba cấp.

Trong đó, hoạt động HĐND ở một số địa phương còn hình thức, chất lượng giám sát chưa cao, hoạt động chất vấn, giải trình chưa trở thành nền nếp hoặc chưa đem lại hiệu quả tích cực; công tác tiếp xúc cử tri (TXCT), tiếp công dân và tiếp nhận, đôn đốc giải quyết đơn thư chưa đáp ứng được mong muốn của cử tri. Những hạn chế đó được nhận định, ngoài nguyên nhân khách quan thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản QPPL, còn một số nguyên nhân chủ quan, đó là: Một số cấp ủy đảng, nhất là ở cấp xã chưa thường xuyên chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HĐND; công tác quy hoạch cán bộ HĐND có nơi chưa được quan tâm đúng mức; số đại biểu (ĐB) hoạt động chuyên trách một số nơi còn ít, thiếu ổn định, chất lượng chưa thực sự đồng đều; tổ chức bộ máy và việc bố trí cán bộ giúp việc, nhất là ở HĐND cấp huyện, cấp xã chưa tương xứng nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, TP đang thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, HĐND các cấp TP nhiệm kỳ 2021-2026 có nhiều quy định mới, đặc thù về tổ chức bộ máy (không tổ chức HĐND ở các phường) và về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND TP, HĐND quận và thị xã Sơn Tây có một số nhiệm vụ tăng thêm so với luật. Trong bối cảnh đó, căn cứ Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị TP trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2021-2025”, Ban Thường vụ Thành ủy vừa ban hành Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại TP Hà Nội”.

Đề án ban hành trong thời điểm này được đánh giá là rất “đúng” và “trúng”, là “cú hích” tạo động lực mới góp phần quan trọng đảm bảo HĐND các cấp TP hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là trong triển khai thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH14 và các nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Đồng thời, góp phần củng cố, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền các cấp TP, nhất là đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền đô thị tại các quận, thị xã và củng cố chính quyền nông thôn tại huyện, xã, thị trấn.

Thường trực HĐND TP Hà Nội chủ trì tiếp công dân định kỳ tháng 4/2022 
Thường trực HĐND TP Hà Nội chủ trì tiếp công dân định kỳ tháng 4/2022 

Trong Đề án này, Ban Thường vụ Thành ủy xác định một số chỉ tiêu đáng chú ý là: 100% ĐB HĐND các cấp được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hằng năm, đặc biệt quan tâm đến các ĐB HĐND hoạt động chuyên trách; HĐND các cấp tổ chức ít nhất 2 cuộc giám sát. Thường trực HĐND các cấp tổ chức ít nhất 4 cuộc giám sát, chất vấn, giải trình giữa 2 kỳ họp; các ban của HĐND các cấp tổ chức ít nhất 2-4 cuộc giám sát, khảo sát; tổ ĐB HĐND TP và cấp huyện tổ chức ít nhất 1 cuộc giám sát, khảo sát tại đơn vị ứng cử. Đồng thời, phấn đấu 100% ĐB HĐND thực hiện tiếp công dân theo quy định; 100% kiến nghị cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến HĐND, ĐB HĐND được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Hằng năm, Thường trực HĐND, tổ ĐB HĐND tổ chức ít nhất 1 cuộc TXCT chuyên đề; hằng quý, Thường trực HĐND TP tổ chức giao ban chuyên đề về hoạt động HĐND các cấp với Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã; khuyến khích Thường trực HĐND huyện, thị xã tổ chức giao ban chuyên đề với Thường trực HĐND xã, thị trấn 6 tháng/lần…

Sớm cụ thể hóa, đưa chủ trương vào cuộc sống

Để tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án này, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao những nhiệm vụ cụ thể cho Đảng đoàn HĐND TP, Ban cán sự Đảng UBND TP, các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy, Đảng đoàn MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội TP, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp… Đáng chú ý, đề nghị các quận, huyện, thị ủy có trách nhiệm ban hành văn bản cụ thể hóa triển khai Đề án để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND nhằm tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP; quan tâm công tác cán bộ HĐND cấp mình. Nhất là cần có đề án, lộ trình từng bước kiện toàn tăng số lượng, cơ cấu Thường trực HĐND, lãnh đạo các ban HĐND tham gia cấp ủy và kiện toàn tăng số lượng ĐB HĐND chuyên trách; chỉ đạo bố trí tăng cán bộ tham mưu giúp việc HĐND; chỉ đạo Thường trực HĐND các cấp tổ chức thực hiện Đề án này và Kế hoạch của Đảng đoàn HĐND TP…

Quang cảnh Kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội
Quang cảnh Kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nêu rõ, khi đã có Đề án này đưa vào triển khai, quan trọng nhất là trách nhiệm, vai trò người đứng đầu, trước hết là của Bí thư cấp ủy và Chủ tịch HĐND từ cấp huyện đến xã. Do đó, HĐND cấp huyện nhanh chóng tập trung rà soát, lan tỏa để hướng dẫn HĐND cấp xã thực hiện Đề án cho hiệu quả. Với các quận và thị xã thực hiện thí điểm chính quyền đô thị, HĐND quan tâm tăng cường vai trò của các ĐB.

“Để làm sao lan tỏa được hiệu quả hoạt động cơ quan dân cử từ TP đến tận cấp xã, HĐND các cấp cần bám sát chỉ đạo của T.Ư, Thành ủy và phối hợp chặt chẽ UBND, UBMTTQ để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo tinh thần tiếp tục đổi mới, đồng hành, thực chất, chủ động, hiệu quả. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tổ chức quán triệt thực hiện Đề án này tới cấp ủy các địa phương để lan tỏa việc thực hiện. Trong đó có nội dung rất quan trọng liên quan tổ chức các kỳ họp, ra các quyết sách, giám sát, chất vấn, giải trình, TXCT; vai trò lãnh đạo của cấp ủy cũng như HĐND các cấp. HĐND các cấp cần xác định lực lượng ĐB chuyên trách có vai trò quyết định, chủ động chuẩn bị. Tất cả nội dung giám sát, chất vấn, giải trình nếu có sai phạm sẽ chuyển cơ quan chức năng - là chế tài rất quan trọng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động HĐND” - Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.

Từ chỉ đạo của Thường trực HĐND TP, tại các địa phương cũng đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ ngay từ người đứng đầu để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử. Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán chia sẻ, từ kinh nghiệm thực tế rút ra tại địa phương cho thấy, yêu cầu trước tiên là những người ĐB dân cử cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong nắm bắt, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri, tiếp thu các kiến nghị của cử tri tại hội nghị TXCT kết hợp khảo sát thực tế để nắm chắc tình hình cử tri phản ánh. Với những ý kiến trả lời giải quyết chưa thỏa đáng, ĐB HĐND cần kiến nghị UBND các cấp tiếp tục chỉ đạo giải quyết. Đồng thời tại buổi TXCT, nhất là trước kỳ họp, có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan chuyên môn và lãnh đạo chính quyền địa phương để giải đáp, giải quyết tại chỗ những vấn đề thuộc thẩm quyền, tránh tình trạng ĐB HĐND chỉ ghi nhận rồi chuyển giao toàn bộ ý kiến cử tri đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết.

Đồng quan điểm này, tại huyện Phúc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đoàn Tuấn Anh cho biết, HĐND huyện thời gian tới sẽ thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND với UBND và Ban thường trực UB MTTQ Việt Nam huyện, nhất là trong hoạt động TXCT, trực tiếp công dân. Cùng đó, sẽ tăng phối hợp trong việc tổng hợp, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cũng như nâng cao chất lượng công tác phân loại, tổng hợp ý kiến cử tri...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần