Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội dự kiến bổ sung quy định quảng cáo khu vực quanh Hồ Gươm

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thay vì cấm tổ chức quảng cáo, khu vực phố cổ, các tuyến phố quanh Hồ Gươm được cho phép quảng cáo trong giới hạn; cho phép quảng cáo trên nóc nhà dưới dạng chữ, biểu tượng… là những điểm mới của dự thảo Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội.

Ngày 2/12, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức hội nghị đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023. Được tổ chức lần thứ 2 (lần thứ nhất tổ chức năm 2022), hội nghị nhằm mục đích không chỉ gỡ vướng cho các DN trong lĩnh vực hoạt động quảng cáo, mà còn cùng tham góp ý kiến nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển hoạt động quảng cáo mang tính bền vững, vừa mang lại lợi nhuận cho TP vừa đảm bảo mỹ quan đô thị.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Doanh nghiệp vẫn luồn lách để quảng cáo “chui”

Tại TP Hồ Chí Minh doanh thu quảng cáo từng đạt trên 51.000 tỷ đồng, tương ứng 2,17 tỷ USD, đóng góp 1,8% GDP của TP. Nhìn sang nhiều quốc gia khác trong khu vực như: Thái Lan, Singapo… hoạt động quảng cáo tại các TP lớn vô cùng sôi động, đóng góp tốt vào sự phát triển kinh tế của từng quốc gia cũng như từng địa phương.

Trong hội nghị ngày 2/12, Giám đốc Sở VH&TT Đỗ Đình Hồng thẳng thắn nhìn nhận, quảng cáo là hoạt động quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội, nhưng thực tế lĩnh vực này vẫn chưa mang lại hiệu quả cả về yếu tố thẩm mỹ, tuyên truyền và lợi nhuận.

Đại diện Công ty Goldsun – một trong những doanh nghiệp có thị phần lớn về quảng cáo ngoài trời tại Hà Nội chia sẻ: Hà Nội đang phát triển rất nhanh, các di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã có thêm nhiều sự kiện thu hút khách về đêm. Du khách đến với Hà Nội ngày càng đông vui. Thế nhưng, lĩnh vực quảng cáo gần như vẫn giậm chân tại chỗ giống như 10 năm trước.

Các doanh nghiệp quảng cáo đã chỉ rõ những nguyên nhân khiến hoạt động quảng cáo chưa phát triển tương xứng. “Trong khi chờ Quy hoạch quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội được ban hành, từ tháng 5/2021 Hà Nội tạm dừng chấp thuận nội dung thông báo giới thiệu sản phẩm trên biển quảng cáo tấm lớn. Chính vì vậy, có doanh nghiệp chấp hành dừng hoạt động quảng cáo tấm lớn thì biển bị bỏ trống, mất mỹ quan đường phố. Có doanh nghiệp vì lợi ích hoặc vì vướng mắc hợp đồng đã ký kết nên đành quảng cáo “chui”” – bà Nguyễn Lan Anh – Giám đốc Công ty quảng cáo ADK cho biết.

Ngoài ra, hiện tại trên địa bàn TP có nhiều biển quảng cáo tấm lớn đã tồn tại lâu năm, không được đánh giá về điều kiện đảm bảo an toàn. Nguyên nhân là do DN sợ nếu tháo dỡ công trình, đánh giá điều kiện an toàn sẽ không được cấp phép xây dựng trở lại. Vì các quy định thỏa thuận cho phép hoạt động vẫn đang bị “treo”, chờ Quy hoạch quảng cáo được ban hành. Ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội nêu bằng chứng 4-5 biển tấm lớn ở Thăng Long Nội Bài, doanh nghiệp dỡ kết cấu trụ cũ, bảo dưỡng công trình nhưng đã không được cấp phép xây dựng nên dang dở chờ cho phép.

Quảng cáo ngoài trời của Hà Nội còn gây mất mỹ quan đô thị.
Quảng cáo ngoài trời của Hà Nội còn gây mất mỹ quan đô thị.

Chưa kể, một số các quy định về hoạt động quảng cáo tấm nhỏ trong nội đô đã không còn phù hợp với điều kiện phát triển mới, các quy định cũ chưa cập nhật được các loại hình quảng cáo hiện đại như quảng cáo bảng điện tử, quảng cáo màn hình LED nên gây khó khăn cho DN trong việc thực hiện các hoạt động quảng cáo.

Nhiều nét mới trong dự thảo Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo

Trước mắt, để khắc phục một số bất cập, hơn nữa để phù hợp với quy định tại Luật Thủ đô sửa đổi đang xin ý kiến và trình Quốc hội phê duyệt, Hà Nội đã xin ý kiến các đơn vị để ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội thay thế cho Quyết định 01/2016/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Theo bản dự thảo Quy chế mới, có rất nhiều điểm khác biệt, có sự thông thoáng hơn so với Quy chế ban hành năm 2016.

Khu vực quanh Hồ Gươm và khu phố cổ được cho phép tổ chức hoạt động quảng cáo trong giới hạn?
Khu vực quanh Hồ Gươm và khu phố cổ được cho phép tổ chức hoạt động quảng cáo trong giới hạn?

Cụ thể: Tại Quy chế năm 2016, khu vực Hồ Hoàn Kiếm và bao quanh hồ, khu vực phố cổ… là khu vực không được phép quảng cáo. Thì theo bản dự thảo Quy chế mới, các khu vực này được cho phép quảng cáo trong giới hạn. Nơi đây được thực hiện quảng cáo của các cơ sở kinh doanh trực tiếp sản xuất, kinh doanh giới thiếu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thay thế cho biển hiệu.

Quảng cáo màn hình LED là loại hình đang diễn ra khá phổ biến tại các đô thị hiện đại.
Quảng cáo màn hình LED là loại hình đang diễn ra khá phổ biến tại các đô thị hiện đại.

Theo quy định trước đây, các khu vực Quảng trường 19/8 (Nhà hát lớn Thành phố), Quảng trường 1/5 (Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô), Trung tâm Hội nghị Quốc gia; các quảng trường, công viên thuộc thành phố và quận, huyện, thị xã chỉ được quảng cáo cho các sự kiện diễn ra tại khu vực. Dự thảo quy định mới đã thay đổi, cho phép các khu vực này được quảng cáo ứng dụng công nghệ hiện đại, cụ thể ở đây là được quảng cáo bằng bảng điện tử chạy chữ, màn hình LED…

Ngoài ra, có một thực tế, theo Quy chế năm 2016, không cho phép bất kỳ hình thức quảng cáo nào trên nóc nhà hoặc che lấp nóc nhà. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn TP nhiều doanh nghiệp dịch vụ thường xuyên đặt các biển quảng cáo trên nóc nhà cao tầng. Tại dự thảo Quy chế mới đã bổ sung cho phép quảng cáo trên nóc nhà với hình thức dạng chữ, hình, biểu tượng.

Với mong muốn ban hành các quy định giúp lĩnh vực quảng cáo phát triển hiệu quả, bền vũng, ông Đỗ Đình Hồng cho biết: Sở VH&TT Hà Nội tiếp tục lắng nghe những ý kiến đóng góp của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam và Hà Nội, các doanh nghiệp, sau đó sẽ báo cáo TP để bổ sung các quy định cho phù hợp.

Trong khi chờ Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội mới được ban hành, Hà Nội vẫn thực hiện quản lý và tổ chức hoạt động quảng cáo ngoài trời theo Quyết định 01 năm 2016 và các văn bản quy định khác.