Tham dự có Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU Dương Đức Tuấn; các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện lãnh đạo các sở, ngành và một số quận, huyện của TP.
Những kết quả bước đầu về chỉnh trang, xây dựng, quy hoạch đô thị
Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 03 Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, đây là một chương trình khó, phức tạp. Từ khi có quyết định thực hiện nội dung Chương trình, các thành viên Ban Chỉ đạo đã khẩn trương thực hiện nhiều nội dung công việc, cách thức triển khai rất bài bản, bước đầu đã có kết quả.
Tuy nhiên, hiện còn nhiều vấn đề cần tập trung bàn cách thức triển khai cụ thể trong thời gian tới. Đặc biệt, các thành viên Ban Chỉ đạo cần tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình để có kết quả thực chất, nhất là các chỉ tiêu khó thực hiện như cải tạo chung cư cũ, cải tạo 32 biệt thự, xây dựng cải tạo công viên vườn hoa, chỉnh trang 180 tuyến phố...
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy phát biểu tại hội nghị. |
Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chương trình 03, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong - đại diện cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, sau hơn 6 tháng triển khai thực hiện từ khi Chương trình được ban hành, 19 chỉ tiêu của Chương trình đã được các sở ngành, quận huyện tập trung thực hiện, bước đầu đã đạt kết quả.
Trong đó, chỉ tiêu hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 5 huyện, hiện huyện Gia Lâm đã đạt 25/27 tiêu chí; huyện Thanh Trì đạt 24/27 tiêu chí; huyện Hoài Đức đạt 22/27 tiêu chí; huyện Đan Phượng đạt 20/27 tiêu chí; huyện Đông Anh đạt 19/27 tiêu chí.
Về chỉ tiêu hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn TP; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 2 - 3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại. Ban Chỉ đạo Chương trình đã chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương tổ chức xây dựng 3 kế hoạch để thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.
Theo ông Võ Nguyên Phong, dự kiến các kế hoạch chia 4 đợt, trong đó đợt 1 lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021 - 2025 gồm 6 khu có tính khả thi (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân) và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp).
Đối với khu chung cư, nhà chung cư cũ (đợt 1) hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết xong trong quý IV/2022 thì có thể tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án trong quý I/2023, dự kiến khởi công trong quý II/2023. Với các chung cư cũ còn lại (đợt 2, đợt 3 và đợt 4) triển khai thực hiện theo kế hoạch trong những năm tiếp theo, đồng thời khuyến khích khu chung cư, nhà chung cư cũ nào hoàn thành kiểm định và quy hoạch thì tổ chức lựa chọn chủ đầu tư triển khai trước.
Về các chỉ tiêu như trồng mới 500.000 cây xanh đô thị; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP; hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới; chỉnh trang hè, đường phố trên địa bàn 12 quận với 180 tuyến; nâng tổng công suất khai thác của các nhà máy nước đạt 1,8 - 2 triệu m3/ngày đêm; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch 100%... Ban chỉ đạo Chương trình đã chỉ đạo Sở Xây dựng xây dựng kế hoạch, lập danh mục các công trình, dự án để triển khai thực hiện những chỉ tiêu trên. Đến nay, Sở Xây dựng đã hoàn thành dự thảo các Kế hoạch, lập danh mục các công trình, dự án trình UBND TP ban hành để triển khai thực hiện.
Đáng chú ý, chỉ tiêu triển khai đầu tư xây dựng 2 - 3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh, hiện các dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm); Thành phố Thông minh, Khu đô thị mới Đông Anh (huyện Đông Anh) đã được UBND TP quyết định chủ trương đầu tư và đang được triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu hoàn thành xây dựng 2-3 siêu thị, trung tâm thương mại lớn đang được TP chỉ đạo các sở, ngành và các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện như: Lotte Mall, quận Tây Hồ, AeonMall quận Hoàng Mai. Ngoài ra, Thành phố đã hoàn thành xây dựng 2 trung tâm thương mại, trong đó 0 trung tâm thương mại đã đưa vào hoạt động (TTTM Ocean Park Đa Tốn, Gia Lâm), 0 trung tâm thương mại đang hoàn thiện hồ sơ để đưa vào hoạt động (TTTM Vinhomes Smart City Tây Mỗ, Nam Từ Liêm).
Các chỉ tiêu cần được định lượng cụ thể
Thảo luận tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo đã có những ý kiến đóng góp, kiến nghị đề xuất về cơ chế, chính sách, cách thức thực hiện để cụ thể hóa các chỉ tiêu Chương trình 03 một cách hiệu quả.
Trong đó, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho rằng, về chỉ tiêu chỉnh trang 180 tuyến phố để khả thi cần dựa trên tiêu chí chọn các tuyến phố đã hạ ngầm xong đường cáp. Sau đó cải tạo vỉa hè, mặt đường, chỉnh trang cây xanh, chiếu sáng, vận động Nhân dân chỉnh trang nhà mặt tiền.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, để hoàn thành chỉ tiêu nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng lên 30-35% (hiện mới đạt 12%) thì không chỉ phát triển số lượng phương tiện vận tải hành khách công cộng mà rất cần quyết tâm chính trị của TP để thực hiện hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thanh Hải cho biết, về chỉ tiêu xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị đang trong quá trình thực hiện, một số trung tâm thương mại lớn sắp đi vào hoạt động.
Về chỉ tiêu đầu tư xây dựng 20 chợ, TP có chủ trương đầu tư bằng cả nguồn vốn Nhà nước và xã hội hóa, tuy nhiên hiện việc huy động doanh nghiệp xây dựng chợ đang là vấn đề khó khăn. Hiện việc xây dựng Trung tâm logictic 17ha tại Hoài Đức triển khai từ 2008 đến nay vẫn vướng GPMB chưa xong. Những vấn đề này, Sở Công Thương mong TP sớm có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn.
Ở góc độ địa phương, Bí thư Quận ủy Đống Đa Đinh Trường Thọ nêu, để thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình 03, quận đã xây dựng 9 kế hoạch nhằm rốt ráo thực hiện các dự án. Về chỉnh trang các tuyến phố quận đã thực hiện 11/30 tuyến phố và đang tiếp tục đầu tư thêm 4 tuyến dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2022.
Về các chợ trên địa bàn quận, hiện có 6 chợ đã rất xuống cấp, trong đó chợ Ngã Tư Sở TP đã duyệt vào danh mục đầu tư công và đang được quận khẩn trương triển khai để hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, một số dự án trên địa bàn quận như dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục đang được quận phối hợp với các sở, ngành khẩn trương thực hiện.
Về kinh tế đô thị, quận đang tính toán xây dựng không gian đi bộ quanh khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám và 2 tuyến phố văn minh thương mại là phố Hoàng Cầu và Chùa Bộc. Liên quan đến những vướng mắc, Bí thư quận ủy Đống Đa cho biết, Quy hoạch phân khu H1-3 trên địa bàn quận đã được phê duyệt từ đầu năm, đề nghị Sở QH-KT, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội sớm bàn giao hồ sơ bản vẽ để quận có cơ sở triển khai các dự án.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND TP, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 03 Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao các ý kiến góp ý trách nhiệm, sâu sắc, thẳng thắn của các thành viên và đề nghị cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 03 tiếp thu, bổ sung vào báo cáo. Đồng thời, đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo cần tối đa hóa hết các chỉ tiêu của Chương trình nhằm định lượng cụ thể để có cách làm khoa học, hiệu quả. Việc gì làm ở đâu, ai làm, bao giờ thực hiện, nguồn lực thực hiện?… phải được nêu ra cụ thể, rõ ràng. Thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục rà soát các lĩnh vực thuộc ngành mình, đơn vị mình phụ trách để đôn đốc, bổ sung danh mục các dự án vào chỉ tiêu của Chương trình 03.
Liên quan đến cơ chế chính sách, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 03 yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo rà soát lại để kiến nghị UBND TP, HĐND tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu. Điển hình là cơ chế liên quan đến tu bổ, tôn tạo các biệt thự cổ trước 1954; thu hút đầu tư xây dựng 20 chợ dân sinh; quy chế quản lý 1.219 biệt thự cũ; việc cải tạo chỉnh trang 180 tuyến phố... Bên cạnh đó, để đẩy mạnh sức lan tỏa trong thực hiện Chương trình, các đơn vị cũng cần chú trọng đến công tác thông tin, tuyên truyền, thi đua, kiểm tra, giám sát.
“Thời gian trôi rất nhanh, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện cần tập trung chỉ đạo đơn vị mình khẩn trương thực hiện. Đây là Chương trình khó, lĩnh vực rộng nên có cách thức làm cần quyết liệt, tâm huyết, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc cần có kiến nghị đề xuất kịp thời với Thường trực Ban Chỉ đạo để sao có kết quả thực chất” - Chủ tịch HĐND TP, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 03 Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.