70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội: Dữ liệu dân cư là nền tảng để chuyển đổi số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng được một cơ sở dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" đang là mục tiêu trọng tâm được Hà Nội hướng đến trong quá trình chuyển đổi số toàn diện.

Người dân làm CCCD cập nhật dữ liệu dân cư tại Phòng quản lý Xuất nhập cảnh Hà Nội. Ảnh: Công Hùng  
Người dân làm CCCD cập nhật dữ liệu dân cư tại Phòng quản lý Xuất nhập cảnh Hà Nội. Ảnh: Công Hùng  

Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư

Chưa kể tới những lợi ích lớn lao mà chuyển đổi số có thể mang lại cho Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, việc giúp tiết kiệm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính là điều cần thiết và sát sườn nhất với người dân. Điều này cũng là chủ trương ưu tiên tối đa của Hà Nội khi tiến hành công cuộc chuyển đổi số với việc lấy người dân làm trung tâm.

Cố gắng và quyết tâm của các cấp chính quyền TP Hà Nội để hiện thực hóa chủ trương trên có thể nhận thấy thông qua việc thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Sau 6 tháng triển khai, Hà Nội đang từng bước xây dựng được một cơ sở dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" nhằm tạo nền tảng cho hoạt động chuyển đổi số trong xã hội.

Cụ thể, Hà Nội đã thu thập được hơn 6 triệu dữ liệu dân cư, làm sạch 3 cấp với gần 8 triệu thông tin công dân (đạt tỷ lệ 99,5%), tiếp nhận và giải quyết hơn 2,3 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử. Đáng chú ý, trong đợt thi THPT và đại học vừa qua, đã có 35.000 Căn cước công dân gắn chíp kèm định danh điện tử được cấp cho học sinh nhằm phục vụ việc đăng ký dự thi.

Cùng với đó, tính đến hết tháng 6/2022, toàn TP đã có gần 4,4 triệu người có thẻ Bảo hiểm y tế được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng Căn cước công dân để đi khám, chữa bệnh. Có 447 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng sử dụng Căn cước công dân tra cứu khám, chữa bệnh cùng số lượt sử dụng là 26.210 lượt. Ngoài ra đã có hơn 13 triệu mũi tiêm vaccine phòng Covid-19 được cập nhật vào nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư được tiến hành nhanh chóng cũng giúp các dịch vụ công thiết yếu đạt được nhiều phát triển thần tốc. Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công theo Đề án 06 với tổng số tiếp nhận và giải quyết trên 500.000 hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công. Trong đó, các dịch vụ công được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực cư trú của Công an TP Hà Nội với tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trong 6 tháng đầu năm là trên 100.000 hồ sơ.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, Hà Nội sẽ đưa ra phương án triển khai Giấy chứng sinh điện tử, Giấy báo tử điện tử, Giấy khám sức khỏe điện tử. Đây được xem là bước đi thiết yếu và quan trọng nhằm phục vụ việc kết nối, đơn giản hóa trong quá trình triển khai các dịch vụ công thiết yếu có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nói về vai trò của dữ liệu dân cư với chuyển đổi số của Thủ đô, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hồng Ky khẳng định, đây là nền tảng quan trọng để đưa các thông tin của công dân vào tích hợp trên thẻ căn cước có gắn chip điện tử. Từ đó người dân chỉ phải sử dụng duy nhất thẻ căn cước để thay thế nhiều giấy tờ khác như giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế… khi thực hiện thủ tục hành chính cũng như giao dịch với các cơ quan Nhà nước.

Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử như trên sẽ giúp người dân tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí khi không phải kê khai nhiều loại giấy tờ khi thực hiện giao dịch hành chính công.

“Ngoài ra, tài khoản này còn có thể sử dụng để thực hiện các giao dịch tài chính nhằm bảo mật thông tin và tránh bị giả mạo” - ông Nguyễn Hồng Ky chia sẻ.

Công an quận Đống Đa cấp căn cước công dân gắn chíp cho công dân. Ảnh: Trần Long
Công an quận Đống Đa cấp căn cước công dân gắn chíp cho công dân. Ảnh: Trần Long

Đưa chuyển đổi số tới gần dân

Được biết, với dân số lên tới hơn 8,5 triệu người, việc xây dựng dữ liệu dân cư cho Hà Nội là việc không hề đơn giản. Ngoài những nỗ lực của chính quyền TP trong hoàn thiện chính sách, khắc phục hạn chế về nhân lực cũng như hạ tầng kỹ thuật thì việc giải quyết tâm tư cho một bộ phận người dân chưa quen sử dụng các dịch vụ công trực tuyến cũng là vấn đề cấp thiết. Đây cũng là một rào cản lớn dẫn đến người sử dụng các dịch vụ này còn khiêm tốn.

Nhằm giải quyết “điểm nghẽn” này, Hà Nội đã có nhiều mô hình để hỗ trợ người dân tiếp cận, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến với tiêu chí “gần dân - sát dân”. Có thể kể đến như mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến của Công an TP Hà Nội đang được triển khai tại phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy).

Tại các điểm này sẽ có máy tính được trang bị sẵn để người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường online như đăng ký lưu trú, cấp thẻ căn cước công dân… Với các thắc mắc, khó khăn trong thao tác, người dân sẽ được công an phường hoặc cán bộ tư pháp hướng dẫn tận tay. Được biết, trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng ra các phường khác trên địa bàn TP.

Ngoài ra cũng phải kể đến cách làm sáng tạo khác như Tổ cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến đang được triển khai tại phường Trúc Bạch (Ba Đình). Tuy mới thực hiện từ đầu tháng 6/2022 nhưng tới thời điểm này, Tổ cơ động đã giúp nhiều người dân trên địa bàn phường dễ dàng tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến, qua đó giảm thiểu tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính so với trước đây.

Theo đó, Tổ cơ động sẽ có thành viên trong tổ dân phố, cán bộ công an địa phương, cán bộ UBND phường. Những thành viên này trực tiếp đi từng ngõ, gõ từng nhà nhằm phổ biến cũng như hướng dẫn trực tiếp người dân thực hiện thủ tục hành chính. Nhằm tăng tính chủ động, Tổ cơ động sẽ chủ động mang máy tính cũng như in các bước thực hiện bằng hình ảnh ra giấy để người dân dễ dàng tiếp cận với môi trường online.

Đánh giá về mô hình này, chị Thu Hà - công dân phường Trúc Bạch cho biết, những hướng dẫn tận tình từ Tổ cơ động đã giúp người dân hiểu nhanh và đầy đủ hơn về việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. Đơn cử như việc chị muốn làm giấy khai sinh cho cháu thứ 2 mới sinh, nếu như trước đây phải mất 3 - 4 ngày mới giải quyết xong thì giờ đây tất cả đều có thể dễ dàng thực hiện chỉ qua điện thoại.

Về góc độ quản lý Nhà nước, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (Ba Đình) Nguyễn Dân Huy khẳng định, Tổ cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến đang là mô hình hoạt động rất hiệu quả tại địa phương. Nhờ Tổ cơ động mà phần lớn trong số hơn 7.000 cư dân trên địa bàn phường tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng hơn với dịch vụ công trực tuyến. Qua đó giúp tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn phường tăng rõ rệt.

Mặc dù việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến là rất thuận tiện nhưng để tiếp cận thì không phải người dân nào cũng biết thực hiện, đặc biệt là với người cao tuổi cũng như người ít kiến thức tin học.

“Do đó việc tiếp cận và hướng dẫn trực tiếp 1-1 với người dân sẽ giúp họ hiểu rõ lợi ích thiết thực mà dịch vụ công trực tuyến mang lại, từ đó khiến lượng người tham gia sử dụng đông đảo hơn” - ông Nguyễn Dân Huy nói.

 

Toàn TP Hà Nội có hơn 1.800 dịch vụ công, mục tiêu phải phấn đấu đạt 90 - 95% thực hiện trực tuyến, giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí và rất nhiều tiện ích nữa phục vụ người dân từ các dịch vụ công trực tuyến. Các đơn vị có liên quan cần đặt câu hỏi và phải tự trả lời: “Thực sự người dân đã được hưởng các tiện ích hay chưa?”.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Đề án 06 của TP Hà Nội