Hà Nội đưa người lang thang vào trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đến nay, các đơn vị bảo trợ xã hội (BTXH) đã tiếp nhận 96 đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, bao gồm 80 đối tượng lang thang từ cộng đồng và 16 đối tượng từ Bệnh viện tâm thần.

Test nhanh Covid-19, sinh hoạt khu riêng
Từ ngày 24/7 đến ngày 8/9/2021, Trung tâm BTXH I (địa chỉ xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã tiếp nhận 80 đối tượng người lang thang xin ăn xin tiền. Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm BTXH I Nguyễn Văn Quảng cho hay: Trung tâm tiếp nhận các đối tượng người lang thang chủ yếu ở xã, phường, thị trấn; phần nhiều là người ngoại tỉnh.
Tất cả người lang thang xin ăn xin tiền khi được đưa vào Trung tâm BTXH I, đã được phường, xã, thị trấn test nhanh Covid-19, xét nghiệm ma túy... Do trước đó các đối tượng lang thang tiếp xúc với nhiều người nên Trung tâm BTXH I sắp xếp, bố trí ở trong khu vực riêng để cách ly 14 ngày, sử dụng dụng cụ ăn uống 1 lần... nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm. Những đối tượng này tiếp tục được Trung tâm BTXH I đưa đi test PCR (lần 2) ở Trung tâm Y tế huyện Đông Anh.
 Cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội I hỏi thăm tình hình và khám sức khỏe cho người lang thang. 
Ngoài ra, Trung tâm BTXH I còn khai thác thông tin địa chỉ quê quán, quan hệ thân nhân tất cả những đối tượng người lang thang, lao động tự do mới chuyển đến. Đồng thời, Trung tâm tổ chức thăm khám cho từng đối tượng để đánh giá tình trạng sức khỏe, trên cơ sở đó phục vụ cho công tác chăm sóc thường xuyên được tốt nhất. Những trường hợp bị bệnh tật sẽ được Trung tâm đưa đi các cơ sở y tế điều trị, thăm khám chuyên sâu để đánh giá chính xác về sức khỏe.
Hằng ngày, người lang thang dọn vệ sinh phòng ở cho sạch sẽ, thoáng mát để phòng chống dịch bệnh. 
Các đối tượng được chuyển đến Trung tâm có độ tuổi khác nhau, người nhiều tuổi nhất là 94, ít tuổi nhất khoảng 13, còn lại là trên 50; nhận thức của họ cũng không giống nhau. Để các đối tượng hợp tác, lãnh đạo Trung tâm yêu cầu cán bộ Đội Trật tự xã hội lưu động – chuyên làm nhiệm đón và đưa người lang thang về - tuyên truyền về quy định chăm sóc, nuôi dưỡng người lang thang xin ăn xin tiền trên địa bàn TP. Khi đối tượng được đưa về Trung tâm, các cán bộ lại phổ biến chính sách, quy trình, quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng người lang thang của TP Hà Nội. Vì thế, đa phần người lang thang, người lao động tự do chấp hành các quy định chính sách. Với số ít lao động tự do bức xúc vì có công việc bên ngoài, còn mối quan hệ cộng đồng xã hội, các cán bộ kiên trì phổ biến nên họ dần hiểu ra và thực hiện theo các quy định của Trung tâm.
Từ lo lắng đến vui vẻ

Những người lang thang xin ăn xin tiền, lao động tự do bị mất việc khi sinh sống ở Trung tâm, hằng ngày được đo thân nhiệt; hướng dẫn thực hiện phòng chống Covid-19 như đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, ngồi giãn cách. Sau một thời gian được chăm sóc, ăn uống 3 bữa/1 ngày đảm bảo dinh dưỡng nên các đối tượng có tâm lý ổn định và sức khỏe tốt hơn.
Trong căn phòng rộng chừng 30m2 có 5 chiếc giường đơn, 1 tủ cá nhân, bộ bàn ghế, ông Lê Doãn Tuấn (60 tuổi, quê Bắc Ninh) xúc động chia sẻ: Trước đây, tôi làm thuê ở khu vực ga Hà Nội nhưng từ ngày tàu tạm dừng hoạt động thì chuyển sang nhặt vỏ lon và giấy vụn, mỗi ngày được 50 – 70 ngàn đồng. Thu nhập ít lại phải chi phí ăn uống tốn kém, không còn tiền thuê trọ tôi đành phải ra ngủ hè phố. Ngày 27/8, khi tôi đang đi nhặt vỏ lon ở khu vực vườn hoa thì bị các anh công an và bảo vệ bắt gặp... Và thế là tôi được đưa vào Trung tâm sinh sống từ hôm đó tới nay.
 Người lang thang phụ giúp cán bộ phân chia thức ăn ra các hộp. 
“Các cán bộ ở Trung tâm đối xử rất tốt với chúng tôi. Trong này, chỗ ở thoáng mát, có giường, chăn, chiếu, gối, màn, quạt; ăn uống đầy đủ, tốt hơn rất nhiều so với những ngày tôi ngủ vỉa hè bị nhiều muỗi đốt. Hằng ngày, chúng tôi vệ sinh phòng ở sạch sẽ và phụ giúp các anh chị nhặt rau. Tôi đã làm quen được với 4 người cùng phòng, mọi người hòa thuận, vui vẻ giúp đỡ lẫn nhau. Ở đây tôi yên tâm lắm, chỉ mong sao nhanh hết dịch bệnh để được về quê trồng rau, nuôi gà”- ông Lê Doãn Tuấn cho hay.
Với những đối tượng lao động tự do khác như anh Hoàng Văn Chắt (40 tuổi, quê Nam Định) lúc đầu mới được đưa vào Trung tâm tâm trạng rất lo lắng. Anh Văn Chắt chưa bao giờ nghĩ, mình là người khỏe mạnh, làm nghề bắn mái tôn, có một ngày lại ở trong Trung tâm BTXH I. “Những ngày tháng 8, tôi làm thuê ở khu vực xã Tiên Nội, huyện Đông Anh. Ngày 22/8 tôi đi tìm tàu, xe để về quê nhưng không có và được đưa vào Trung tâm. Lúc đầu vào đây, tôi lo lắng và bỡ ngỡ nhưng khi được các cán bộ tuyên truyền và nhận thấy ở đây phòng chống được dịch bệnh thì yên tâm. Tôi chỉ mong nhanh hết giãn cách xã hội để được ra ngoài đi làm nghề kiếm sống”- anh Văn Chắt mong mỏi.
 Lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội I bố trí cho người lang thang, lao động tự do mất việc được chăm sóc vườn rau, vừa để giữ gìn sức khỏe cho bản thân. 
Để các đối tượng hợp tác và yên tâm sinh sống tại đây, Trung tâm BTXH I đã thực hiện những giải pháp triệt để trong phòng chống dịch Covid-19. Trung tâm tuyên truyền phương thức 5K để cán bộ, nhân viên thực hiện trong quá trình tiếp xúc với các đối tượng và triển khai “3 tại chỗ” gồm ăn, ở và làm việc tại chỗ” ca trực trong 14 ngày liên tục. Đồng thời thực hiện nghiêm quy định di chuyển, phân phòng ở cho các đối tượng cũ và mới ở hai khu riêng biệt. Để thực hiện giãn tốt việc cách xã hội theo quy định của Chủ tịch UBND TP, Trung tâm BTXH I đã có đề xuất với Sở LĐTB&XH Hà Nội chuyển 44 đối tượng đến các đơn vị khác trong TP. Vì thế, đến thời điểm này, Trung tâm BTXH I đang chăm sóc, nuôi dưỡng 73 đối tượng. Và tuy rằng số lượng tiếp nhận đông nhưng đến thời điểm này Trung tâm BTXH I chưa phát hiện ra trường hợp nào có biểu hiện lây nhiễm Covid-19.