Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đưa người lang thang vào trung tâm đón Tết Nhâm Dần

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những người lang thang, vô gia cư đã được đưa vào Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đón Tết Nhâm Dần 2022 trong không khí ấm cúng, vui vẻ với những món ăn truyền thống ngày Tết như đang sum họp gia đình.

Người lang thang được chống rét, chăm lo Tết

Từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần nhiều ngày, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP năm 2022. Sở LĐTB&XH Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tiếp nhận thông tin, phối hợp với Đội Trật tự xã hội tại xác xã, phường, thị trấn tổ chức đi kiểm tra những điểm công cộng, phát hiện người lang thang xin ăn, người lang thang vô gia cư, người cần sự bảo vệ khẩn cấp vào các trung tâm bảo trợ xã hội đón Tết.

Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Nguyễn Văn Quảng đi đến từng phòng để thăm, chúc Tết và mừng tuổi cho các đối tượng lang thang đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại đơn vị.
Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Nguyễn Văn Quảng đi đến từng phòng để thăm, chúc Tết và mừng tuổi cho các đối tượng lang thang đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại đơn vị.

Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Nguyễn Văn Quảng cho hay, hiện nay đơn vị đang chăm sóc, nuôi dưỡng 40 đối tượng người lang thang. Chúng tôi tổ chức Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 chu đáo, đảm bảo đúng quy định về thực hiện chế độ Tết của TP Hà Nội cho các đối tượng. Trong bốn ngày Tết (29, 1, 2, 3), các đối tượng được ăn bánh chưng, nem,... và các món ăn truyền thống của dân tộc.

“Đơn vị chia số ngày nghỉ Tết làm 2 ca trực để cán bộ thực hiện công việc chuyên môn và được đón cái Tết sum vầy với gia đình. Chúng tôi phân công cán bộ các bộ phận tiếp phẩm, trực bếp chế biến những món ăn ngày Tết, phục vụ cho bà con. Qua đó để họ cảm nhận cái Tết đầm ấm, sum vầy, tình cảm gần gũi, chia sẻ, có không khí Tết, vơi đi nỗi nhớ nhà” – ông Nguyễn Văn Quảng cho hay. Đồng thời cho biết, đơn vị tăng cường phòng chống rét như cấp thêm chăn ấm vì thế số đối tượng ở đây có sức khỏe đảm bảo.

Ông Nguyễn Văn Quảng mừng tuổi cho trẻ em là con của những người lang thang.
Ông Nguyễn Văn Quảng mừng tuổi cho trẻ em là con của những người lang thang.

Trong những ngày Tết, các đối tượng tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội còn được lãnh đạo đơn vị tặng quà, bánh từ nguồn quà tặng để tạo ra sự ấm cúng. Ngày mùng 1 Tết, lãnh đạo Trung tâm đi xuống từng phòng của đối tượng để thăm hỏi, chúc Tết và mừng tuổi đầu năm mới.

Tết ấm cúng, sum họp ở Trung tâm

Lần đầu tiên được đón Tết Nguyên đán ở Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội, bà Hoàng Thị Thu (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) xúc động cho biết: Vào tháng 11/2021, khi tôi đang đi bán kẹo cao su và tăm bông trên phố thì được các cán bộ đưa vào Trung tâm này. Ở đây, tôi và mọi người được ăn uống đầy đủ; đón Tết vui vẻ và ấm cúng, có bánh chưng... Đón cái Tết đầu tiên xa nhà nhưng tôi thấy yên tâm khi bên ngoài vẫn còn Covid; tuy nhiên tôi nhớ con cháu lắm. Tôi chỉ mong sao, qua Tết sẽ được về nhà trông nom nhà cửa, chăm sóc các cháu cho con đi câu mực ngoài biển.

Các cán bộ Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội chế biến những món ăn truyền thống ngày Tết và các món khác phục vụ bà con đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại đơn vị.
Các cán bộ Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội chế biến những món ăn truyền thống ngày Tết và các món khác phục vụ bà con đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại đơn vị.

Lại có những người lang thang khác, trước khi được đưa vào Trung tâm đã phải thuê phòng trọ bên ngoài, bị mất việc làm, không thu nhập. Chính vì thế, khi được đưa vào đây họ cảm thấy an lòng và lại được đón cái Tết vui tươi, đầm ấm. Đơn cử như trường hợp bà Trịnh Thị Hồng (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) từ trước tháng 9/2021 thường bán hàng nước ở khu vực ga Hà Nội. Mỗi tháng bà Hồng phải trả 1,5 triệu đồng thuê nhà trọ. “Bốn tháng nay được đưa vào Trung tâm, tôi được các anh chị cán bộ đối xử tử tế, cho ăn uống đầy đủ. Ngày Tết, tôi được ăn các món như ở nhà, lại được lãnh đạo mừng tuổi nên tôi thấy ấm lòng” – bà Hồng cho hay.

Các đối tượng người lang thang được đón Tết vui vẻ tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội trong không khí ấm cúng, sum họp.
Các đối tượng người lang thang được đón Tết vui vẻ tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội trong không khí ấm cúng, sum họp.

Cũng vì hoàn cảnh gia đình, bà Đỗ Thị Thanh (huyện Ân Thi, Hưng Yên) phải bán nhà, đi thuê phòng trọ ở địa bàn phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trước khi có dịch bùng phát, hằng ngày, bà Thanh bán hàng ở trước các cổng trường học. Thế rồi, ông chủ cần tiền giải quyết việc gia đình đã bán gấp căn nhà, khiến cho bà Thanh không còn chỗ ở. Trong lúc đó, bà Thanh được tổ trưởng dân phố bố trí ở tại ở nhà văn hóa phường vài ngày; sau đó được chuyển sang Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội. “Ở bên này chúng tôi được ăn uống đầy đủ. Ngày 27 Tết vừa qua, tôi được lãnh đạo Trung tâm cho về, nhưng do buồn chuyện gia đình nên tôi xin ở lại 2 tháng và đón Tết tại đây”- bà Thanh cho hay.

Hầu hết các đối tượng lang thang khi mới được đưa vào Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đều chưa quen, có tâm trạng nhớ người thân... Nhưng được sự quan tâm, chăm sóc và giải thích của các cán bộ Trung tâm, họ đã dần thay đổi thái độ, ăn uống và sinh hoạt điều độ để đảm bảo sức khỏe, phòng chống dịch Covid-19. Họ chỉ mong sao dịch sớm được kiểm soát để sau Tết trở lại cuộc sống bình thường mới, đi làm, phát triển kinh tế gia đình.