Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đứng đầu cả nước về chất lượng giáo dục

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/2, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010- 2016; kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý tiếp đoàn.

Theo thống kê, ngành giáo dục Hà Nội có 133.830 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học, ngành học, trong đó có 98.323 giáo viên. Trong những năm qua, việc đổi mới công tác tuyển dụng đã mang lại kết quả tích cực. Sau tuyển dụng, Hà Nội đã làm tốt việc sắp xếp, sử dụng viên chức đúng chuyên môn, nghiệp vụ.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại buổi làm việc.
Tuy nhiên, theo Đoàn giám sát, việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều hạn chế. Một số chính sách khi triển khai thực hiện đạt chất lượng chưa cao. Theo đánh giá của đoàn giám sát, mặc dù Hà Nội đứng đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Tỷ lệ trên chuẩn của giáo viên các cấp học đạt cao so với tỷ lệ chung của cả nước, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Song với khu vực nội thành có mức sinh hoạt cao, mức lương của giáo viên chưa bảo đảm. Cũng vì lý do này, học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm không nhiều. Tỷ lệ sinh viên nam, cán bộ công tác trong các trường sư phạm ngày càng giảm. Ngoài ra, còn xảy ra hiện tượng quản lý thu chi, tổ chức dạy thêm học thêm không đúng quy định. Vì vậy, đề xuất của Hà Nội về bổ sung chính sách thâm niên nhà giáo đối với cán bộ công chức công tác tại cơ quan quản lý cấp bộ, sở phòng; xây dựng chế độ lương hợp lý để giáo viên yên tâm cống hiến cho ngành... sẽ được nghiên cứu, xem xét.
Về xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, các chỉ tiêu y tế, giáo dục được thực hiện tốt. Còn hiện tượng “đầu voi đuôi chuột” trong quá trình tuyên truyền vận động. Vì vậy cần bổ sung kinh phí chi cho sự nghiệp văn hoá, thể thao để tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, cổ động trực quan, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hoá, thể thao có hiệu quả.
Tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định, sắp tới Hà Nội sẽ bố trí kinh phí để kiện toàn 100% nhà văn hoá trên địa bàn. Đến năm 2020 các khu nhà ở công nhân có đầy đủ thiết chế văn hoá, thể thao. Bên cạnh đó, Hà Nội đề nghị Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản hướng dẫn xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, tạo hành lang pháp lý tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất từ Thành phố đến cơ sở.    
 Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc.
Ghi nhận những kết quả nổi bật, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của ngành giáo dục Hà Nội,  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh – Trưởng đoàn Giám sát băn khăn: “Làm sao để nhà giáo sống bằng lương và hưởng thang bảng lương cao nhất”. Bên cạnh đó, Trưởng đoàn Giám sát cũng như các đại biểu cho rằng, Hà Nội nên thực hiện xã hội hóa giáo dục.