Tại trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây), sáng nay (8/1), 32 tổ máy bơm, công suất mỗi tổ 1.000m3/giờ, tiếp tục được vận hành để lấy nước sông Hồng dẫn vào hệ thống công trình thủy lợi. Đây là trạm bơm đóng vai trò quan trọng, có nhiệm vụ cấp nước sản xuất cho sản xuất nông nghiệp tại thị xã Sơn Tây và một số huyện: Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất...
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích Nguyễn Chí Hải cho biết, cùng với trạm bơm dã chiến Phù Sa, hôm nay đơn vị tiếp tục duy trì vận hành 10 trạm bơm khác. Đồng thời, phân công cán bộ, công nhân ứng trực 24/24 giờ để lấy nước sản xuất vụ Xuân 2023 cho bà con nông dân.
Cùng với Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích, 3 doanh nghiệp thủy lợi khác của Hà Nội cũng đang tích cực vận hành hệ thống trạm bơm phục vụ lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2023. Thống kê đến sáng nay (8/1), 103 trạm bơm đã được 4 doanh nghiệp vận hành, với tổng lưu lượng bơm là 423.000m3/giờ.
Đợt 1 lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2023 đã bắt đầu từ 0 giờ ngày 6/1/2023 và dự kiến kết thúc vào 24 giờ ngày 9/1/2023.
Với sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp thủy lợi, đến sáng nay (8/1), đã có gần 3.000ha sản xuất vụ Xuân 2023 trên địa bàn TP có nước phục vụ làm đất, đổ ải, chiếm khoảng 3,7% tổng diện tích gieo cấy vụ Xuân 2023 của Hà Nội.
Huyện Ứng Hòa là địa phương có tiến độ lấy nước nhanh nhất của Hà Nội khi đã có hơn 2.000ha được cấp đủ nước (chiếm khoảng 27% tổng diện tích gieo cấy của huyện); tiếp đến là các huyện: Mỹ Đức, Ba Vì, Thanh Oai, Thạch Thất…
Để bảo đảm mục tiêu có ít nhất 7% diện tích sản xuất vụ Xuân được cấp đủ nước trong đợt 1, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội Đào Quang Khải đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi tranh thủ nguồn nước xả tăng cường từ hồ chứa thủy điện; vận hành tối đa hệ thống công trình thủy lợi để thau rửa hệ thống, bơm trữ nước vào các kênh tiêu, ao hồ đầm, vùng trũng.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây vụ Đông; tích cực phối hợp với doanh nghiệp thủy lợi đưa nước lên ruộng. Thực hiện đưa nước đến đâu, làm đất, giữ nước đến đó, không để thất thoát, lãng phí nguồn nước…