Hà Nội gắn biển đường phố mang tên các danh nhân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (7/2), UBND TP Hà Nội long trọng tổ chức lễ gắn biển đường, phố mang tên danh nhân Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyễn Giáp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Thị Bích Ngọc; Nguyễn Quốc Hùng; Phó Chủ tịch HĐND Lê Văn Hoạt cùng đại diện lãnh đạo các ngành chức năng của TƯ và Hà Nội, đại diện gia đình các danh nhân đã đến dự.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo tặng hoa cho đại diện gia đình các danh nhân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo tặng hoa cho đại diện gia đình các danh nhân.
Theo quyết định số 4311/QĐ-UBND ngày 18-8-2014 của UBND TP. Hà Nội về việc đặt và điều chỉnh độ dài một số đường phố trên địa bàn thành phố, đường Võ Chí Công dài 4,25km, rộng 57,5 -64,5m, bắt đầu từ phía Nam cầu Nhật Tân, đi qua phường Phú Thượng, Xuân La (quận Tây Hồ), phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) đến giao cắt với đường Hoàng Quốc Việt. Đường Võ Văn Kiệt dài 12km, rộng 23m, bắt đầu từ phía Bắc cầu Thăng Long đến sân bay Nội Bài, đi qua địa phận huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn. Tuyến đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp dài 10,5km, rộng 70-100m, từ phía Bắc cầu Nhật Tân đến điểm giao cắt giữa đường dẫn nút giao phía Nam QL 18, đi qua huyện Đông Anh và Sóc Sơn.  

Hà Nội đặt tên đường phố mang tên Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp là sự tôn vinh, tri ân với những cống hiến to lớn của các danh nhân, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Đồng chí Võ Chí Công có tên khai sinh là Võ Văn Toàn, sinh ngày 7-8-1912, mất ngày 8-9-2011, quê ở thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam. Ông sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng và hoạt động phong trào thanh niên ở cơ sở từ năm 1930-1931. Tháng 5 năm 1935, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí từng bị giặc bắt tù đày và giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước.

 
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo và các đại biểu gắn biển đường mang tên Võ Chí Công.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo và các đại biểu gắn biển đường mang tên Võ Chí Công.
Đồng chí Võ Chí Công được bầu làm Ủy viên ban chấp hành TƯ Đảng khóa III (1960)… và liên tục được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng và Ủy viên Bộ Chính các khóa IV (1976), khóa V (1982) và khóa VI (1986), là Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng khóa V.

Tháng 6/1986 được phân công làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ); Tháng 4/1987, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng; Cố vấn Ban chấp hành TƯ Đảng khóa VII (tháng 6/1991) và khóa VIII (tháng 6/1996); đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng…

Đồng chí Võ Văn Kiệt có tên khai sinh là Phan Văn Hòa, sinh ngày 23-11-1922, mất ngày 11-6-2008, quê quán tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, bí danh Sáu Dân, Chín Dũng. Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi trong Phong trào Thanh niên phản đế (1938), được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 11 năm 1939. Trong thời gian Khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí là Bí thư Chi bộ tại huyện Vũng Liêm. Sau cách mạng Tháng 8, đồng chí giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, cùng Đảng và nhân dân làm nên những chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Đồng chí Võ Văn Kiệt, được bầu làm Ủy viên ban chấp hành TƯ Đảng khóa III (1960), từ năm 1973 đến 1975 là Ủy viên Thường vụ TƯ Cục miền Nam. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ văn Kiệt được TƯ Cục phân công làm Bí thư Đảng ủy đặc biệt trong Ủy ban Quan quản TP Sài Gòn. Từ năm 1976 đồng chí là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), đồng chí được bầu làm Ủy viên TƯ Đảng, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đến năm 1982..

 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và các đại biểu gắn biển đường mang tên Võ Văn Kiệt.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và các đại biểu gắn biển đường mang tên Võ Văn Kiệt.
Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII (8/1991), đồng chí được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCH Việt Nam; Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa IX, đồng chí được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. …

Thủ tướng Võ Văn Kiệt được đánh giá, là người đi đầu trong công cuộc đổi mới và cái cách chính sách ở Việt Nam. Kể từ 1986, ông được coi là “Tổng công trình sư” của nhiều dự án tạo báo của thời kỳ đổi mới của đất nước. Tên tuổi của ông gắn liên với các công trình lớn của đất nước, như: Thủy điện Trị An, Thác Mơ, Yaly, Sông Hinh, điện- Đạm Phú Mỹ, chương trình thoát lũ ra biển Tây, đường dây 500 kV Bắc  Nam, đường Hồ Chí Minh; với Thủ đô Hà Nội: Đường Bắc Thăng Long – Nội Bài, đại lộ Thăng Long, đã hoàn thành ngày hôm nay và nhiều công trình trọng điểm quan trọng khác của đất nước. Tháng 12 năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt được trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sinh ngày 25-8-1911, mất ngày 4/10/2013, quê tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Sinh thời, Đại tướng có bí danh là Dương Hoài Nam, Văn, Chiến; bút danh Vân Đình, Hải Thanh, Chính Nghĩa….Ông là Đại tướng đầu tiên, là Tổng tư lệnh của QĐND Việt Nam, là một trong những người góp công thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được đánh giá là “người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, là một trong những nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất nhất trong lịch sử Việt Nam, một trong những vị tướng kiệt xuất trên thế giới.

 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và các đại biểu gắn biển đường mang tên Võ Nguyên Giáp.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và các đại biểu gắn biển đường mang tên Võ Nguyên Giáp.
Tháng 8/1945, Đại tướng được cử vào Ban chấp hành TƯ Đảng và Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Tháng 3/1946, Đại tướng là Chủ tịch Quân sự, Ủy viên trong Chính phủ liên hiệp; khi thành lập Quân ủy TƯ, được cử làm Bí thư Quân ủy TƯ; tháng 10/1946 là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam và Dân quân tự vệ Việt Nam. Tháng 10/1948 được phong hàm Đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp liên tục được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng và được bầu vào Bộ Chính trị các khóa II, khóa III, khóa IV và khóa V; đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII; Từ tháng 5/1955 đến tháng 12/1979 là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; tháng 1/1980 là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; tháng 4/1981 đến 12/1986 là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ)  .

Như các danh tướng trong lịch sử, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp chú trọng nghệ thuật lấy ít thắng nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Tư tưởng quân sự nổi tiếng của Đại tướng có tên gọi là “Chiến tranh nhân dân”...Đại tướng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng… và nhiều Huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần