Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội ghi nhận 254 ca mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 4/7 đến 10/7), trên địa bàn TP ghi nhận 79 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 1,5 lần so với tuần trước) tại 23 quận, huyện và 51 xã, phường, thị trấn.

Bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Phú Xuyên (11 ca), Đan Phượng (10 ca), Long Biên (7 ca), Bắc Từ Liêm (6 ca), Ba Vì (5 ca), Hoài Đức (5 ca). Còn lại, các quận, huyện khác đều ghi nhận số ca mắc dưới 5 trường hợp.

Một số xã, phường ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần cao như xã Quang Trung (huyện Phú Xuyên) có 11 ca; xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) có 5 ca; thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) có 3 ca; xã Liên Mạc (huyện Mê Linh) có 3 ca; phường Long Biên (quận Long Biên) có 3 ca.

Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận thêm 3 ổ dịch sốt xuất huyết mới, trong đó tại huyện Mê Linh có 2 ổ dịch và quận Bắc Từ Liêm có 1 ổ dịch.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 254 ca mắc sốt xuất huyết nhưng không có trường hợp tử vong; giảm 41 ca so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay cũng đã ghi nhận 19 ổ dịch sốt xuất huyết tại 11 quận, huyện và 17 xã, phường, thị trấn.

Còn 10 ổ dịch đang hoạt động tại 7 quận, huyện: Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Đống Đa, Hà Đông, Phú Xuyên, Gia Lâm. Trong đó có 1 ổ dịch có nhiều bệnh nhân (với 14 trường hợp) tại thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên.

Dự báo số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.

Theo các chuyên gia, yếu tố dịch tễ di chuyển cộng với thời tiết miền Bắc có nhiều thất thường, khi lúc nắng gắt, lúc mưa dông kèm lượng mưa lớn chính là điều kiện thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết phát triển, dẫn đến dễ bùng dịch.

Hiện Hà Nội đang mưa nhiều vào mùa hè, dự báo trong thời gian tới cũng là đỉnh điểm của miền Bắc về dịch sốt xuất huyết. Vì vậy, khi bệnh nhân có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau mỏi người, có yếu tố dịch tễ là đi từ miền Nam ra cần đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và được điều trị kịp thời. Tránh trường hợp đến viện muộn có biểu hiện sốc, sốt xuất huyết nặng và có thể dẫn đến tử vong.

Cũng theo các bác sĩ, tại Hà Nội và miền Bắc, sốt xuất huyết đang bắt đầu vào vụ dịch và đỉnh điểm của dịch dự báo sẽ vào tháng 8 nên người dân phải hết sức lưu ý chủ động phòng bệnh ngay từ bây giờ.

Riêng đối với bệnh sốt xuất huyết, CDC Hà Nội yêu cầu các đơn vị giám sát, đánh giá định kỳ các chỉ số côn trùng truyền bệnh, giám sát vệ sinh môi trường, tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại khu vực ổ dịch cũ, ổ dịch phức tạp, các khu vực nguy cơ cao.

Trong khi đó, theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 11/7, cả nước ghi nhận khoảng hơn 103.000 ca sốt xuất huyết.  Con số này tăng khoảng 11.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó. Đã có 37 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, theo Bộ Y tế kết quả kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết thời gian qua cho thấy một số vấn đề tồn tại như: tại các hộ gia đình nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) không được xử lý; chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng; công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh; thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Bộ Y tế dự báo số ca mắc sốt xuất huyết thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Để chủ động phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế ngày 10/7 đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP huy động các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt các lực lượng cán bộ tại các tổ dân phố, thôn, bán và cộng đồng tham gia các hoạt động phòng chống dịch. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.

Triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn ngay trong tháng 7 và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng (bọ gậy) cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Vận động toàn thể người dân cùng tham gia.

Sở Y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng. Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyển, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện.

Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.