Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Giá cả các mặt hàng ổn định dịp Tết Nguyên đán

Bài và ảnh Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những ngày giáp Tết, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu gia tăng. Tuy nhiên, năm nay nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động sản xuất, dự trữ nguồn hàng từ rất sớm nên giá cả ổn định.

Nguồn cung dồi dào
Ngay từ đầu tháng Chạp, hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội đều đã tập kết hàng hóa, sắp xếp lại các quầy hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất.

Theo Sở Công thương, để đảm bảo đủ lượng hàng hóa tiêu dùng cho trước, trong và sau Tết Nguyên đán, năm nay Hà Nội có kế hoạch dự trữ tăng từ 10-15% lượng hàng hóa so với cùng kỳ năm trước.
 Các sản phẩm hàng hóa tết tại Siêu thị V+.
Ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị tại một số trung tâm thương mại trên địa bàn TP Hà Nội, đến nay các siêu thị, trung tâm thương mại đều đã bố trí lại các quầy hàng, tăng diện tích khu vực cho các mặt hàng thiết yếu, như: Bánh, kẹo, mứt tết, bia, nước giải khát, các loại trái cây sấy khô; đồ hàng khô là măng, miến, mộc nhĩ, đỗ, gạo, lạc, hành, tỏi …; thực phẩm tươi sống là thịt lợn, bò, gà, cá, rau xanh…
 Hàng thực phẩm tươi sống tại Siêu thị V+.
Theo bà Lê Thị Thanh Tâm, phục trách hành chính của Trung tâm thương mại V+ Hòa Bình: Siêu thị đã chuẩn bị kế hoạch phục vụ Tết từ tháng 6-7/2017. Siêu thị đã khảo sát nhu cầu trước Tết xem những mặt hàng nào tiêu dùng nhiều thì bố trí tăng lượng hàng. Sản lượng cung ứng của siêu thị tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Siêu thị Tập trung vào đồ khô, đồ ăn, thực phẩm tươi sống.

Đại diện của Công ty dầu ăn Tường An, đơn vị năm đầu tiên đặt sản phẩm tại siêu thị V+, chia sẻ: Công ty cung ứng khá lớn dầu ăn tại các siêu thị, đồng thời tăng cường khuyến mại nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong dịp Tết.
 
Thông tin từ Siêu thị Co.opmart, dự kiến Tết Mậu Tuất, đơn vị này cung ứng tăng 15% lượng hàng hóa so với năm trước. Trong đó, lượng hàng bình ổn tăng từ 5 - 30% tùy nhóm hàng. Siêu thị cũng đã chuẩn bị dự trù tổng lượng hàng hóa cung ứng từ 3 tháng trước Tết.

Dự kiến. hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố, khu dân cư đưa ra thị trường phục vụ Tết khoảng 4.630 tỷ đồng.

Các DN kinh doanh thương mại, giết mổ gia súc, gia cầm cung ứng theo chuỗi mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến cũng đã dự kiến cung ứng khoảng 1.500 tỷ đồng hàng hóa gồm rau xanh, thịt, gạo, đỗ, lạc, miến, mộc nhĩ, nấm hương …

Dự kiến, các DN sản xuất mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát đưa ra thị trường phục vụ Tết khoảng 10.000 tỷ đồng hàng hóa. Nhóm cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ hàng mứt kẹo, giò chả, miến, nông sản chế biến, chè,… cũng cung ứng ra thị trường Hà Nội khoảng 2.200 tỷ đồng.
Chất lượng hàng hóa đảm bảo

Bà Nguyễn Thị Thanh Hảo, dốc Đoàn Kết, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: Nhìn chung siêu thị bây giờ cung cấp chủ yếu hàng Việt. Chất lượng hàng Việt khá tốt và đa dạng chủng loại. Tôi hay đi mua rau, thực phẩm, hóa mỹ phẩm. Tết này, tôi mua rượu, bánh mứt, kẹo, hạt bí, hạt dưa để ăn, đi biếu. Siêu thị chuẩn bị các túi hàng tết vài trăm nghìn đến khoảng 1 triệu đồng/giỏ rất vừa túi tiền của người tiêu dùng và đi biếu lịch sự, đẹp.
 Những giỏ hàng tết được đóng góp đẹp.
Theo bà Tâm, để đảm bảo chất lượng và đủ số lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng, V+ đã ký hợp đồng đối với các nhà sản xuất cung ứng hàng dài hạn. V+ đã lựa chọn thêm các đối tượng khách hàng mới, có thương hiệu, kết nối các đặc sản vùng miền, mở rộng các nhóm hàng bình ổn giá nhằm đáp ứng đa dạng chủng loại hàng hóa. Nhiều nhãn hiệu mới được tăng thêm vào siêu thị, trong đó 90% là sản phẩm hàng Việt Nam sản xuất.
Hầu hết các sản phẩm hàng hóa cung cấp trong các siêu thị đều rõ xuất xứ nguồn gốc. Riêng đối với hàng tươi sống, rau xanh siêu thị đều đặt hàng tại các đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.
 Khá đông người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tết trong siêu thị.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước của Sở Công thương, Sở Y tế, quản lý thị trường phối hợp với các quận, huyện đã tập trung lực lượng kiểm tra loại bỏ các hàng hóa kém chất lượng ra khỏi chuỗi cung ứng, đồng thời đẩy mạnh việc cấp đăng ký các cửa hàng nhận diện hàng hóa nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Đến thời điểm này, các siêu thị đều đảm bảo ổn định giá cả các mặt hàng như trước. 

Theo quan sát của phóng viên, những ngày này các siêu thị đã đón lượng khách hàng khá đông mua sắm. Giá trị thanh toán trên mỗi hóa đơn đã tăng mạnh, hầu hết từ vài trăm đến vài triệu đồng/hóa đơn.