Hà Nội: Giá lợn giảm sâu, chủ trại, nông dân lỗ tiền tỷ

Phương Nga - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lo sợ dịch bệnh, chi phí đầu vào tăng quá cao và đặc biệt là giá lợn liên tục giảm sâu khiến người chăn nuôi e ngại khi nhắc tới câu chuyện tái đàn. Trong khi đó đây là thời điểm để vào đàn mới, phục vụ cho thị trường thực phẩm cuối năm. Điều này đang gây ra nguy cơ khủng hoảng thực phẩm trong thời gian tới.

Nhu cầu giảm, chi phí tăng, nông dân e ngại tái đàn
Đầu năm 2020, khi nhìn thấy tín hiệu tốt từ thị trường thịt lợn, gia đình ông Nguyễn Văn Hiếu (thôn Tiên Mai, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) đã quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng cải tạo chuồng trại chăn nuôi lợn và duy trì đàn lợn hơn 100 con. Nhưng niềm vui chưa kịp tày gang, giá lợn hơi liên tục giảm, chi phí chăn nuôi tăng. Đàn lợn 60 con vừa xuất chuồng với giá 45.000 đồng/kg, gia đình ông Hiếu phải bù lỗ gần 50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, để có lợn xuất bán thời điểm này, gia đình ông phải vào đàn cách đây 4 tháng. Thời điểm đó, giá lợn giống dao động 2,7 triệu đồng/con. Trong khi gần 1 năm nay, giá thức ăn chăn nuôi có 10 lần tăng, tương đương 35%.
Chỉ tính riêng tiền thức ăn, mỗi con lợn xuất chuồng phải đội thêm chi phí khoảng 1 triệu đồng. Cộng thêm chi phí chăn nuôi an toàn sinh học trong bối cảnh dịch tả châu Phi, dịch tai xanh vẫn diễn biến phức tạp, nên giá thành sản xuất rơi vào 50.000 đồng/kg. Không dám mạo hiểm và sợ thua lỗ, ông Hiếu quyết định dừng vào đàn mới.
 Hợp tác xã chăn nuôi lợn Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai).
Hộ ông Nguyễn Văn Hanh (xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức) đang nuôi 100 con lợn nái và 1.500 con lợn thịt cũng như ngồi trên đống lửa. Theo ông Hanh, do Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến ông và những người chăn nuôi rất lo ngại, không dám tái đàn hay tăng đàn.
“Tình hình mua bán rất trầm lắng. Nếu như thời gian này của các năm trước, người mua đi tìm giống để thả nuôi đón bán vào dịp Tết, thì năm nay không có động tĩnh gì. Không chỉ thị trường lợn giống ảm đảm mà lợn thịt tiêu thụ cũng rất chậm” - ông Nguyễn Văn Hanh nói.
Là một trong những đơn vị chăn nuôi lớn ở Hà Nội, Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) cũng đang lao đao vì giá lợn giảm sâu. Giám đốc HTX Nguyễn Văn Thanh cho hay, nếu như cách đây 10 ngày, giá lợn hơi hơn 50.000 đồng/kg, thì hiện đã giảm mạnh xuống còn 43.000 đồng/kg, nhưng cũng rất ít thương lái hỏi mua. Mức giá này giảm sâu nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Hiện, HTX đang nuôi 17.000 con lợn thịt và 2.500 lợn bố mẹ. Trung bình 1 ngày, đàn lợn tiêu thụ khoảng 30 tấn thức ăn chăn nuôi, tương đương chi phí 300 triệu đồng/ngày. Trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, trang trại đang còn tồn 4.000 lợn đến thời kỳ xuất chuồng (trọng lượng từ 100 - 130kg/con) chưa thể xuất bán. Đó là chưa kể, giá lợn giống xuống thấp và không bán được do người dân không vào đàn. Cực chẳng đã, tất cả số lợn giống sản xuất ra, HTX đành phải để lại nuôi thành lợn thịt. Theo ông Thanh, hạch toán các khoản chi phí thì hoạt động sản xuất của hợp tác xã đang lỗ 10%.
Cùng với lo lắng về thị trường mua bán lợn, HTX cũng khá vất vả trong việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi hàng ngày. Hiện, HTX có 2 xe chở thức ăn chăn nuôi từ công ty tại tỉnh Hưng Yên với 4 chuyến/ngày. Để bảo đảm yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19, 2 lái xe của HTX vẫn phải làm xét nghiệm PCR 3 ngày 1 lần. Đây là khoản chi phí phát sinh không nhỏ đối với HTX khi bắt buộc phải thực hiện trong một thời gian khá dài.
Liệu cuối năm có thiếu thịt lợn?
Lý giải về nguyên nhân giá lợn giảm mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, đây hoàn toàn không phải do cung vượt cầu, mà do thời gian giãn cách xã hội kéo dài, các bếp ăn tập thể, cửa hàng ăn… đóng cửa nên một lượng lớn lợn thịt đến kỳ xuất chuồng từ các trang trại bị ùn ứ.
Tuy nhiên, tình trạng dư thừa thịt lợn thời điểm này chỉ là cục bộ. Bởi hiện nay tổng đàn lợn của TP vẫn duy trì ổn định ở mức 1,4 triệu con (bằng 85% so với trước dịch tả lợn châu Phi). Với mức tăng đàn như hiện nay thì cơ bản Hà Nội vẫn đáp ứng được nhu cầu về thịt lợn trong năm 2021.
Chia sẻ về thị khả năng cung ứng thịt lợn dịp cuối năm, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho biết, tổng đàn lợn của cả nước hiện nay khoảng 26,7 triệu con, bằng 86,7% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả châu Phi (1/1/2019). Cơ bản đang chủ động được nguồn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt trong đó có 16 DN lớn (chiếm 23% tổng đàn cả nước) đang duy trì và phát triển đàn khá tốt. Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội, vận chuyển lưu thông khó khăn, bếp ăn, nhà hàng đóng cửa, nên hiện tại cả nước đang dư thừa khoảng 30% tổng đàn chăn nuôi.
Theo ông Trọng, hiện nay tình hình dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, thị trường cũng có nhiều tín hiệu khả quan, đặc biệt là dịp cuối năm. Do đó người chăn nuôi cần dựa vào tín hiệu thị trường để tái đàn. Tuy nhiên, việc tái đàn cần xác định chăn nuôi chuyên nghiệp. Trong bối cảnh dịch tả châu Phi chưa có vaccine thì cần đặt yếu tố an toàn sinh học, cũng như phải liên kết chuỗi để đảm bảo yếu tố cung cầu.
Để người dân yên tâm đầu tư tái đàn lợn, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Đoàn Xuân Phúc cho rằng, hiện nay người chăn nuôi đang phải cõng nhiều chi phí tăng thêm, kiệt quệ về tài chính do thua lỗ. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương cần phải tạo điều kiện thuận lợi tái sản xuất thì mới có thể cơ bản chủ động được thực phẩm năm 2021.
Trong đó, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc lưu thông, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để bình ổn lại giá thức ăn chăn nuôi trong nước; giảm lãi suất cho vay đối với các hộ chăn nuôi, khoanh nợ với các khoản nợ cũ tiếp tục cho vay mới, để cho họ có nguồn vốn tiếp tục tái sản xuất cho chu kỳ sau.