Giảm số ca mắc sốt xuất huyết, gia tăng ca mắc ho gà
Theo đó, từ ngày 24/5 đến 31/5, toàn TP ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết, 72 ca mắc tay chân miệng, số mắc giảm so với tuần trước đó.
Đáng chú ý, trong tuần ghi nhận 16 ca mắc ho gà, tăng 14 ca so với tuần trước. Bệnh nhân phân bố tại 14 quận, huyện gồm: Hoài Đức, Hoàng Mai, Ba Vì, Chương Mỹ, Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Xuân, Ứng Hòa.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 98 ca mắc tại 25 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023.
CDC Hà Nội nhận định, thời tiết hiện nay tạo điều kiện thuật lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết; kịp thời phát hiện, điều trị ca mắc, xử lý ổ dịch nhanh chóng, không để phát sinh ổ dịch trong trường học tư thục, các nhóm trẻ nhận trông trẻ trong dịp Hè.
Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục giám sát vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong các trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn TP; tăng cường kiểm dịch y tế tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhằm phát hiện sớm ca mắc/nghi mắc để có biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh ho gà
Liên quan đến bệnh ho gà, CDC Hà Nội đánh giá, các ca mắc ho gà ghi nhận từ đầu năm đến nay đều là ca bệnh tản phát, không phát sinh ổ dịch; thời gian tới tiếp tục xuất hiện rải rác ca bệnh, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh ho gà có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh, trẻ em và có thể có cả người lớn khi chưa có miễn dịch phòng bệnh. Do ho dai dẳng, kéo dài làm cho trẻ bị kiệt sức, nhất là ở trẻ sơ sinh bởi sức đề kháng còn yếu chưa đủ để chống lại bệnh.
Bệnh thường gây ra tình trạng thiếu ôxy cho cơ thể dẫn tới nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, thiếu ôxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị sớm, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Thiếu niên và người lớn cũng có thể bị biến chứng do bệnh ho gà. Biến chứng thường ít nghiêm trọng hơn ở những lứa tuổi này, đặc biệt với những người đã được tiêm vaccine phòng bệnh ho gà. Biến chứng ở thiếu niên và người lớn thường gây ra bởi bản thân các cơn ho.
Điều dưỡng trưởng Đỗ Thị Thuý Hậu –Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh ho gà có các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi nặng, xẹp phổi, suy hô hấp; viêm não khiến trẻ co giật: Biến chứng cơ học như lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng, trường hợp nặng có thể vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc màng phổi.
Ngoài ra còn có các biến chứng khác như xuất huyết, kết mạc mắt, bầm tím dưới mí mắt và nguy hiểm nhất là chảy máu nội sọ. Do đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ có các triệu chứng: cơn ho kéo dài, trong các cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, ăn kém, nôn trở nhiều, ngủ ít, thở nhanh hoặc khó thở.
Theo thạc sĩ Đỗ Thị Thuý Hậu, trẻ bị bệnh ho gà nếu có các cơn ho ít, thời gian ho ngắn, trong cơn ho không tím mắt có thể chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên, cha mẹ lưu ý cách ly trẻ bị bệnh với trẻ lành để tránh lây nhiễm, cho trẻ nghỉ ngơi, yên tĩnh, tránh kích thích; đảm bảo môi trường sống tránh khói thuốc lá, bụi, hóa chât; vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; tiếp tục cho bú mẹ, trẻ lớn ăn lỏng dễ tiêu, ăn ít một, chia làm nhiều bữa; cho trẻ uống thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Về cách phòng bệnh ho gà, chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng bệnh ho gà đầy đủ và đúng lịch; rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch; vệ sinh thân thể, mũi họng hàng ngày; đảm bảo nhà ở, lớp học thông thoáng, sạch sẽ. Nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế và cách ly với những trẻ khác.