Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Gia tăng ca mắc tay chân miệng, còn 9 ổ dịch

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/4, thhông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 8/4 đến 14/4), Hà Nội ghi nhận 80 trường hợp mắc tay chân miệng. Số ca mắc tăng so với tuần trước (tuần trước TP ghi nhận 50 ca).

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, TP ghi nhận 378 ca mắc. Số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (5 ca).

TP cũng ghi nhận 6 ổ dịch, tại Ba Vì 3 ổ dịch. Còn lại Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Oai, mỗi huyện 1 ổ dịch. Cộng dồn, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 20 ổ dịch, hiện còn 9 ổ dịch đang hoạt động.

Liên quan đến sốt xuất huyết, theo  CDC Hà Nội, tuần qua, TP có 6 ca mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc giảm 3 trường hợp so với tuần trước (tuần trước, TP ghi nhận 9 ca).

Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, TP ghi nhận 212 ca mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (10 ca mắc). Bệnh nhân phân bổ tại 26/30 quận, huyện, thị xã; 128/579 xã, phường, thị trấn.

Trên địa bàn TP không ghi nhận ổ dịch nào. Hiện, 9 ổ dịch đều kết thúc hoạt động.

Đề cập đến bệnh thủy đậu, CDC Hà Nội thông tin, tuần qua, TP ghi nhận 131 ca mắc. Số ca mắc giảm so với tuần trước (185 ca). Cộng dồn, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 1.116 ca mắc. Số ca mắc năm 2023 tăng so với cùng kỳ 2022 (23 ca).

Cán bộ y tế tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết tại huyện Thanh Trì.
Cán bộ y tế tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết tại huyện Thanh Trì.

Ngoài ra, CDC Hà Nội cũng thông tin, trong tuần, TP ghi nhận 1 ca mắc bệnh Rubella tại Mê Linh. Đây cũng là ca bệnh Rubella đầu tiên ghi nhận trên địa bàn TP từ đầu năm đến nay.

Trong tuần, ngành Y tế Thủ đô đã giám sát, điều tra, xử lý dịch với bệnh nhân, ổ dịch phát hiện tại cộng đồng và các cơ sở y tế được phân cấp. Giám sát ổ dịch sốt xuất huyết cũ tại: Thôn 25, Văn Võ, Chương Mỹ (Bl=31; NCBG=22,7%, MĐM=0), Láng Thượng, Đống Đa (BI= 0, MĐM=0).

Đánh giá tình hình dịch, CDC Hà Nội nhận định, trong tuần, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục ghi nhận ở mức thấp. Số ca mắc tay chân miệng giảm so với tuần trước, phần lớn ca bệnh là tản phát. Dự báo, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã.

So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, ghi nhận các chùm ca bệnh trong trường học. Số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tói.

Các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, sởi, rubella, adeno virus… có thể gia tăng.

Thời gian tới, CDC Hà Nội tiếp tục điều tra, xử lý triệt để các ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để dịch lây lan. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm bằng nhiều hình thức.

Triển khai hoạt động giám sát tại các ổ dịch cũ, các khu vực nguy cơ cao sốt xuất huyết nhằm đánh giá nguy cơ để có kế hoạch chủ động triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết.

Ngoài ra, CDC duy trì công tác kiểm dịch y tế tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc/mắc bệnh dịch, lưu ý các trường hợp nhập cảnh từ các quốc gia có dịch Marburg, Cúm A (H5)…

Bệnh nhi mắc virus RSV được điều trị tại các phòng cách ly của Khoa Hồi sức Hô hấp – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bệnh nhi mắc virus RSV được điều trị tại các phòng cách ly của Khoa Hồi sức Hô hấp – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Đề cập đến bệnh tay chân miệng, bác sĩ Trần Thị Kim Anh - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho hay, đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có những biểu hiện bóng nước hồng ban ở lòng bàn tay, chân.

Bệnh tay chân miệng do virus gây ra và chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, hiện chủ yếu điều trị triệu chứng. Loại virus này có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Bên cạnh đó, bệnh lây qua tiếp xúc giọt bắn, dịch tiết. Do đó, vệ sinh khử khuẩn là một trong những biện pháp quan trọng phòng bệnh tay chân miệng.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ nên chú ý nâng cao sức đề kháng cho trẻ thông qua tăng cường dinh dưỡng, có chế độ sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học. Khi trẻ mắc bệnh cần được thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa, tránh tự điều trị theo kinh nghiệm.

Ngoài ra, hiện đang là thời điểm giao mùa Xuân – Hè kèm theo thời tiết nồm ẩm khiến virus hợp bào hô hấp (RSV) phát triển mạnh. Virus này gây bệnh đường hô hấp dưới và viêm phổi ở trẻ với khả năng lây lan mạnh.

Trong 1 tháng trở lại đây, số ca nhập viện vì RSV tại Bệnh viện Nhi Trung ương có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng, cha mẹ không nên quá hoang mang. Thay vào đó hãy chủ động cập nhật kiến thức về dấu hiệu bệnh, cách phòng ngừa nhằm giảm nguy cơ nhiễm hoặc lây nhiễm RSV cho trẻ, cũng như kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu chuyển nặng.

Các bác sĩ cho biết, virus RSV không mới ở các bệnh nhi, theo thống kê, có tới 90% trẻ em nhiễm loại virus này trong 2 năm đầu đời, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn kém.

Theo các chuyên gia, loại virus RSV này có thể tồn tại trên bề mặt của các đồ vật cứng tới hơn 6 tiếng, sống trên quần áo và bàn tay cho tới 1 giờ. Một người sau khi bị nhiễm virus có thể sau 2 – 8 ngày mới biểu hiện triệu chứng. Hiện nay, chưa có vaccine phòng ngừa virus hợp bào hô hấp.

Tuy nhiên, cha mẹ có thể chủ động phòng tránh giảm nguy cơ nhiễm hoặc lây nhiễm RSV cho trẻ, tránh bùng phát thành dịch, bằng cách: Cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời kéo dài đến 2 tuổi. Nên thường xuyên rửa tay sạch sẽ, nhất là khi vừa tiếp xúc với những trường hợp có biểu hiện cảm cúm. Tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine được khuyến cáo theo độ tuổi, đặc biệt với trẻ nhỏ.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo, phụ huynh không nên tự ý sử dụng kháng sinh chữa bệnh cho con khi chưa xác định được chính xác con mắc vius RSV hay không và mức độ bệnh ra sao. Dùng kháng sinh không theo chỉ định không những không có tác dụng mà còn làm chậm quá trình điều trị, gây ra nhiều hậu quả sau này cho trẻ.