Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: gian nan tìm lời giải thiếu bãi đỗ xe đô thị

Triệu Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giải quyết dứt điểm và hiệu quả bài toán bãi đỗ xe không chỉ giúp cho đô thị được phát triển mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nhà để xe cao tầng trên phố Nguyễn Công Hoan, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Tuấn
Nhà để xe cao tầng trên phố Nguyễn Công Hoan, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Tuấn

Loay hoay tìm nơi gửi xe tạm bợ

Việc các dự án quy hoạch bãi đỗ xe chậm tiến độ, gặp nhiều vướng mắc buộc nhiều người dân sinh sống tại Thủ đô đang phải loay hoay tìm nơi gửi xe tạm bợ ở các khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện hay các khu đất trống...

Sinh sống tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, nhưng anh Đặng Văn Huy lại chọn gửi ô tô cá nhân tại một bãi xe tự phát. “Đỗ ô tô tại đây như một cuộc chiến bởi chỉ cần về muộn hơn bình thường là sẽ chẳng còn chỗ. Do vậy, tôi phải gửi ở bãi xe cách nhà hơn nửa cây số. Nhiều khi đi bộ thấy bất tiện, tôi đỗ tạm tại các ngõ quanh khu chung cư nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân sống quanh khu vực. Biết là sai nhưng bí quá không có cách nào đành phải làm vậy” - anh Huy cho biết.

Đề cập đến nội dung thiếu bãi đỗ xe trầm trọng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, theo quy hoạch giao thông tĩnh, Hà Nội có 1.620 bãi đỗ xe, hiện đã đầu tư, đưa vào khai thác 72 bãi đỗ xe, còn lại đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư và gặp nhiều vướng mắc.

Đáng chú ý, quy hoạch dành cho giao thông tĩnh phải đạt 3 - 4% nhưng Hà Nội hiện chưa đạt 1%, tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị ở Hà Nội chỉ đạt 12,13% - chỉ đạt một nửa so với quyết định của Chính phủ về quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội (chỉ tiêu quy hoạch là 20 - 26% cho đô thị trung tâm), các bãi đỗ xe đang thiếu trầm trọng, dẫn đến tình trạng đỗ bừa bãi ở các bãi đất trống, dưới lòng đường và trên cả vỉa hè.

Trước thực trạng này, Sở Giao thông Vận tải đã xin ý kiến, báo cáo UBND TP Hà Nội, sau khi thông qua 2 Quy hoạch Thủ đô sẽ cho phép ngành giao thông vận tải được phép rà soát điều chỉnh quy hoạch phân khu, quan tâm đến các quy hoạch thành phần như Quy hoạch phân khu giao thông ngầm, quy hoạch bãi đỗ xe giao thông tĩnh.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, muốn giải bài toán giao thông tĩnh cần chú trọng đến phát triển không gian ngầm, có những cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên trong áp dụng công nghệ mới, tạo thuận lợi để giải quyết điểm nghẽn về các dự án giao thông tĩnh, nhất là bãi đỗ xe ngầm tại Hà Nội. “Muốn phát triển bền vững, mỗi đô thị, nhất là đô thị lớn cần phải xác định khâu đột phá là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng với trọng tâm là hệ thống giao thông. Chỉ như vậy mới từng bước giải quyết được áp lực về giao thông”, tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Cần cơ chế đặc thù

Theo quy hoạch, đến năm 2025, Hà Nội ưu tiên đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ở 122 vị trí với quy mô diện tích khoảng 168ha. Giai đoạn 2025 - 2030, xây dựng bãi đỗ xe ở 115 vị trí với quy mô diện tích khoảng 58ha. Tuy nhiên, Hà Nội có 47 bãi đỗ xe đang khai thác sử dụng với diện tích hơn 44ha, mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của người dân khu vực nội thành.

Thiếu bãi đỗ xe, hè đường, lòng đường đã vô tình trở thành nơi để xe của người dân (ảnh chụp tại đường Bưởi, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình). Ảnh: Thanh Tuấn
Thiếu bãi đỗ xe, hè đường, lòng đường đã vô tình trở thành nơi để xe của người dân (ảnh chụp tại đường Bưởi, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình). Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến đầu tư, xây dựng có nhiều thay đổi, dẫn đến kéo dài thời gian lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư. Ngoài ra công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án bãi đỗ xe gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt kinh phí đầu tư các dự án bãi đỗ xe ngầm và tự động cao tầng rất lớn, dẫn đến kéo dài thời gian thu hồi vốn.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã trình và được HĐND TP thông qua một số chính sách, như: Hỗ trợ 100% tiền thuê đất bãi đỗ xe trong 10 năm đầu; hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu thiết bị, dây chuyền công nghệ phục vụ trực tiếp cho dự án xây dựng bãi đỗ xe; nhà đầu tư được sử dụng tối đa 30% diện tích sàn xây dựng ngầm của dự án để khai thác thương mại...

Để kéo nhà đầu tư vào lĩnh vực này, Sở GTVT cho biết, đã nghiên cứu, ban hành một số chính sách như: Cho phép nhà đầu tư bán một số suất chỗ gửi xe sau khi đầu tư xong nhưng sẽ không cho phép khai thác các bãi trông giữ xe tạm thời trong bán kính 500m và xây dựng cơ chế riêng về giá trông giữ xe tại các bãi đỗ được xã hội hóa, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn vốn có thể yên tâm đầu tư vào xây dựng các bãi trông giữ xe.

 

Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, muốn hấp dẫn nhà đầu tư, kêu gọi vốn cho các dự án giao thông tĩnh, TP cần coi nó như công trình dịch vụ thương mại. Bởi nếu chỉ là kết cấu hạ tầng giao thông sẽ khó sinh lời, chậm thu hồi vốn, hầu như không có DN nào mặn mà tiếp cận. TP nên phân chia các dự án giao thông tĩnh thành 2 loại: Loại 1 do ngân sách đầu tư, đấu thầu quyền khai thác; loại 2 sử dụng vốn xã hội hóa, cho phép vận dụng giá phí linh hoạt. Như vậy mới có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng bãi đỗ xe trong TP.