Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội giành giải cao tại Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh năm 2024, Ban Tổ chức đã trao 248 giải cá nhân và 63 giải tập thể; trong đó, 103 giáo viên Hà Nội được trao giải cá nhân và Sở GD&ĐT Hà Nội xuất sắc nhận giải Vàng tập thể.

Đại diện Ban tổ chức trao giải Vàng cho Sở GD&ĐT Hà Nội.
Đại diện Ban tổ chức trao giải Vàng cho Sở GD&ĐT Hà Nội.

Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh là hoạt động chuyên môn, có tính sáng tạo, mang đến cơ hội tốt để các nhà giáo thể hiện sự sáng tạo, tâm huyết của mình. Cuộc thi có ý nghĩa lớn đối với ngành giáo dục, nhất là trong bối cảnh toàn ngành đang đẩy mạnh chuyển đổi số để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh năm 2024 thu hút sự quan tâm của đông đảo các thầy cô giáo dạy môn tiếng Anh với 7.500 giáo viên cùng hơn 4.000 sản phẩm tham gia dự thi.

Công tác chấm thi được triển khai theo quy trình khoa học, chặt chẽ với tiêu chí rõ ràng, đảm bảo công bằng, minh bạch, nghiêm túc. Việc đánh giá các bài thi dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau như: nội dung, phương pháp giảng dạy, sự tương tác với học sinh, hiệu quả giáo dục, tính ứng dụng công nghệ...

Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 248 bài giảng dự thi xuất sắc nhất để trao giải. Những bài giảng này không chỉ thể hiện trình độ chuyên môn mà còn cho thấy sự sáng tạo, kỹ năng ứng dụng công nghệ và tâm huyết của tác giả dự thi.

Giáo viên Hà Nội đoạt 103 giải, trong đó có 1 giải Đặc biệt tại cuộc thi.
Giáo viên Hà Nội đoạt 103 giải, trong đó có 1 giải Đặc biệt tại cuộc thi.

Trong tổng số 248 giáo viên đoạt giải cuộc thi, giáo viên Hà Nội xuất sắc đoạt 103 giải gồm 1 giải Đặc biệt, 15 giải Nhất, 18 giải Nhì, 18 giải Ba, 42 giải Khuyến khích, 10 Giải thưởng phụ; Sở GD&ĐT Hà Nội được trao giải Vàng tập thể.

Chia sẻ về cuộc thi, đại diện Sở GD&ĐT cho biết: ngay khi nhận được thông tin, Sở GD&ĐT Hà Nội phổ biến và phát động cuộc thi đến các đơn vị trực thuộc; xem đây là hoạt động chuyên môn quan trọng trong quá trình triển khai đổi mới GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá cao ý nghĩa và tác động của cuộc thi. Theo đó, cuộc thi đã khơi dậy không khí thi đua sáng tạo trong các nhà trường, là động lực thúc đẩy các giáo viên chủ động nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong mỗi bài giảng, từ đó tạo nên những giờ học hiệu quả, những lớp học tích cực và những học sinh say mê học tập. Cuộc thi còn góp phần thúc đẩy xu hướng mới về phương pháp giảng dạy tiên tiến thời đại 4.0, bắt nhịp chủ trương đổi mới giáo dục theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

“Sau khi tham gia cuộc thi này, mỗi nhà giáo sẽ có những trải nghiệm thú vị về thiết kế, xây dựng kịch bản, số hóa các bài giảng. Đây là những năng lực số quan trọng đối với mỗi thầy cô trong kỷ nguyên chuyển đổi số…” - ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) bày tỏ.