Chúc mừng năm mới

Hà Nội: Gỡ khó cho ngành thủy sản mùa dịch Covid-19

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thủy sản khó tiêu thụ, giá giảm, chi phí sản xuất tăng… Tại một số địa phương trên địa bàn Hà Nội có tình trạng người dân giảm thả nuôi vì sợ thua lỗ. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài có thể gây thiếu hụt nguồn cung ra thị trường vào những tháng cuối năm.

Bộc lộ nhiều yếu điểm
Nuôi trồng thủy sản là thế mạnh tại huyện Ứng Hòa, nhưng theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện, trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, trên địa bàn tồn 427,5 tấn cá cần hỗ trợ tiêu thụ.
Ông Lê Văn Tín (thôn Ngọc Động, xã Phương Tú), là chủ sở hữu của 2ha ao nuôi cá thương phẩm cho hay: Từ đầu năm tới nay, giá cám cho cá tăng 12 lần, tương đương khoảng 40%. Do đó đã làm tăng chi phí nuôi trồng thủy sản (NTTS) lên nhiều lần. Cùng với đó, việc tiêu thụ thủy sản cũng rất khó khăn trong thời điểm TP giãn cách xã hội.
“Không chỉ khó bán, cá cũng đang rớt giá mạnh. Đơn cử, cá trắm loại 3,5kg trở lên xuất bán 40.000 đồng/kg, rô phi loại 2kg bán với giá 25.000đồng/kg, cá chép loại 1,5kg trở lên bán với giá 39.000đồng/kg. Để giảm chi phí sản xuất, tôi buộc phải cho cá ăn cầm cự chờ tín hiệu khả quan từ thị trường” - ông Tín cho hay.
Mô hình nuôi cá VietGap ở Ba Vì
Giá cá giảm trong khi giá cám tăng, nên nhiều hộ chọn giải pháp giảm hoặc dừng xuống giống. Điều này khiến nhiều hộ sản xuất cá giống “khóc dở, mếu dở” vì tồn hàng.
Hộ anh Chu Văn Tiến (thôn Lưu Khê, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa) hiện đang tồn trong ao 4 tấn cá giống. Tuy nhiên, gia đình anh không thể nuôi thành thương phẩm do diện tích ao nuôi không đủ diện tích. Theo anh Tiến, để giải phóng được lượng cá tồn, anh đã giảm giá, trong đó cá chép 25.000 đồng/kg, cá trắm là 30.000 đồng/kg… nhưng vẫn không có người mua.
Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết, tổng diện tích NTTS toàn Thành phố đạt khoảng 23.400ha, sản lượng ước đạt 60.085 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, phương thức NTTS trên địa bàn TP chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Nguồn nước NTTS còn bị ô nhiễm.
Bên cạnh đó, hạ tầng vùng NTTS tập trung chưa đồng bộ, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng ở các khu NTTS còn thiếu. Việc thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng còn ít. Đặc biệt, khâu chế biến, hình thành chuỗi liên kết giữa nông dân và DN trong tiêu thụ sản phẩm chưa hiệu quả, hình thức tiêu thụ thủy sản chủ yếu vẫn là tự sản, tự tiêu. Do đó điệp khúc được mùa mất giá thường xuyên diễn ra, nông dân dễ bị động khi thị trường thay đổi.
Tăng cường liên kết chuỗi
Để gỡ khó tiêu thụ thủy sản mùa dịch Covid-19, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, kịp thời kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ.
Trưởng Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho biết, huyện đã thành lập các tổ kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn, cử cán bộ làm đầu mối kết nối giữ liên lạc với phòng Kinh tế huyện và các đơn vị liên quan; tổng hợp danh sách các tổ chức, cá nhân, phương tiện vận chuyển thu mua thủy sản địa bàn. Tuy nhiên, theo ông Hoạt, đây chỉ là giải pháp trong lúc tình thế. Để phát triển bền vững ngành thủy sản, cần có giải pháp căn cơ lâu dài, trong đó cần đẩy mạnh chuỗi liên kết.
Đưa ra giải pháp phát triển bền vững ngành NTTS, ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, huyện tiếp tục có chính sách hỗ trợ người dân NTTS như nạo vét kênh mương thủy lợi nội đồng, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi, hỗ trợ nông dân mua chế phẩm xử lý nguồn nước.
Đặc biệt, để đảm bảo nguồn cung thủy sản cho thị trường vào dịp cuối năm, huyện sẽ tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển một số đối tượng thủy sản ngắn ngày, có năng suất cao như cá rô phi đơn tính, cá chép lai… ứng dụng công nghệ cao, tập trung phòng chống dịch bệnh để tăng năng suất. Bên cạnh đó, huyện cũng duy trì và mở rộng mô hình nuôi kết hợp cá - lúa khoảng 400ha ở các xã ven sông Tích.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho rằng, việc bổ sung, hoàn thiện các văn bản dưới luật để cụ thể hóa những quy định và giải pháp nhằm khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ thủy sản, các sản phẩm từ thủy sản rất cần thiết. Để khai thác tốt tiềm năng, thúc đẩy NTTS phát triển mạnh, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu TP xem xét bố trí kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho các dự án phát triển NTTS đã được phê duyệt; liên kết vùng giữa các tỉnh, TP lân cận nhằm tăng cường kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm thủy sản, tạo tiền đề thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.