70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội gỡ khó trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế cho bệnh viện

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Hà Nội vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực tiễn Thông tư 13, 14 trước khi Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2024.

Bất cập, khó khăn xác định rõ mức hao phí trong quá trình tính giá dịch vụ theo yêu cầu

Ngày 25/8, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý bệnh viện”. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội và trực tuyến tới 300 đầu cầu, trong đó, tập trung đề cập vai trò của giám đốc bệnh viện trong tình hình mới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua Luật Khám chữa bệnh (KCB) (sửa đổi); Luật Đấu thầu và Bộ Y tế; ngay sau đó ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá khám bệnh theo yêu cầu do cơ sở KCB của Nhà nước cung cấp.

TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo.
TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo.

Thông tư 14/2023/TT-BYT quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập đã tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tổ chức thực hiện trong thu giá dịch vụ y tế, mua sắm đấu thầu góp phần cho hoạt động tự chủ bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở KCB vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực tiễn Thông tư 13, 14 trước khi Luật KCB (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2024.

Với Thông tư 13, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đều gửi tới Sở Y tế những bất cập, khó khăn xác định rõ mức hao phí trong quá trình tính giá dịch vụ theo yêu cầu và xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật.

“Đây là nội dung các bệnh viện phải có Hội đồng xác định giá dịch vụ theo yêu cầu để tính đúng, tính đủ với dịch vụ y tế, tạo sự đồng thuận với người dân, vừa phục vụ hoạt động phát triển của bệnh viện. Chúng tôi cũng mong muốn khi Luật KCB (sửa đổi) có hiệu lực, các cơ quan chức năng sẽ có văn bản dưới luật hướng dẫn Luật KCB (sửa đổi)” - TS Trần Thị Nhị Hà nêu rõ.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, với Thông tư 14, các bệnh viện hiện khó khăn trong quá trình thực hiện xác định giá kế hoạch cho gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Do đó, ngành Y tế Hà Nội đang tập hợp những khó khăn này để có văn bản kiến nghị Bộ Y tế trong quá trình thực hiện.

Tại hội thảo, Sở Y tế Hà Nội cũng mời các thành viên ban soạn thảo thông tư, chuyên gia giải đáp thắc mắc cho lãnh đạo các bệnh viện hiểu về Thông tư 13, 14 một cách thống nhất và nhất quán để triển khai Thông tư trong các cơ sở KCB.

Tuy nhiên, để việc này khả thi, ngành y tế cần sự đồng thuận của người dân cũng như sự am hiểu của giám đốc bệnh viện, để biến quy định thành hoạt động thực tiễn phù hợp với từng mô hình bệnh viện. Sở Y tế Hà Nội cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn cụ thể nhất với các bệnh viện trên địa bàn.

Theo TS Trần Thị Nhị Hà, các văn bản mới đã tạo hành lang cho cơ sở y tế phát triển, thu hút người dân. Khi chúng ta đạt được chất lượng dịch vụ đi kèm giá dịch vụ, người dân sẽ tin vào cơ sở y tế trong nước, không cần phải đi nước ngoài điều trị.

Để nâng cao chất lượng y tế Thủ đô, đưa Hà Nội trở thành trung tâm y tế lớn tiên tiến hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực, Sở Y tế Hà Nội đề nghị cần nâng cao năng lực, vai trò của giám đốc bệnh viện trong tình hình mới.

Ngành Y tế Hà Nội sẽ có chiến lược xây dựng hệ thống y tế tốt, nâng cao năng lực người đứng đầu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phù hợp với danh mục kỹ thuật của các cơ sở KCB.

Mong muốn tập trung nhiều hơn trong công tác chuyên môn, quản lý bệnh viện

Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý bệnh viện”, các đại biểu, chuyên gia đã chia sẻ, làm rõ về quy định, quy trình, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hoá và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Quy định khung giá và phương pháp đánh giá dịch vụ KCB theo yêu cầu do cơ sở KCB của Nhà nước cung cấp.

Chia sẻ tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, trước đây, công việc của các giám đốc là 80% tập trung chuyên môn và 20% là ngoài chuyên môn như mua sắm, đấu thầu... nhưng nay thì ngược lại.

Thông tư 14 đã gỡ khó cho bệnh viện rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, còn một số vấn đề vướng mắc như trong thông tư có nêu, khi mua sắm, đầu thầu, bệnh viện có thể thành lập hội đồng nhưng lại không quy định cụ thể. Hội đồng này gồm những thành phần nào, tiêu chí hội đồng như thế nào...

TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ tại hội thảo, 
TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ tại hội thảo, 

Bên cạnh đó, Thông tư 14 cũng không phân nhóm trang thiết bị. Trong khi trang thiết bị ở các hãng sản xuất khác nhau, tiêu chí khác nhau thì cần phải phân nhóm để bệnh viện lựa chọn khi đấu thầu.

Ngoài ra, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng nêu rõ vướng mắc một số đơn vị y tế đang gặp phải. Đơn cử như có những loại thuốc bệnh viện không thể trúng thầu do vấn đề giá. Về xác định giá trị thương hiệu, 100% các bệnh viện tại Hà Nội không thể triển khai được xã hội hóa vì không làm được hướng dẫn xác định tài sản công, đặc biệt xác định giá trị thương hiệu.

Đồng quan điểm với các lãnh đạo bệnh viện, TS Phạm Bá Hiền – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì mong muốn công việc của các y bác sĩ, đặc biệt là lãnh đạo đơn vị sẽ tập trung nhiều hơn trong công tác quản lý bệnh viện và công tác trị liệu, chỉ đạo hoạt động chuyên môn.

Theo TS Phạm Bá Hiền, về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, riêng với bệnh viện tư gần như không phải “quá đau đầu” về việc này. Trong khi, các bệnh viện công cũng thực hiện tự chủ lại rất vất vả trong công tác mua sắm vật tư, thuốc men.

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì cũng rất vất vả trong công tác mua sắm, giải trình trong mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Đây cũng là khó khăn chung với các bệnh viện.

Thông qua hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý bệnh viện”, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Ba Vì mong muốn, góc nhìn của những thầy thuốc, giám đốc các đơn vị cũng như góc nhìn của các đoàn kiểm tra có sự đồng điệu, đồng cảm và chia sẻ vì hoạt động của bệnh viện công sẽ tốt hơn.

 

Hiện nay, các bệnh viện đang quan tâm hai việc, đó là làm sao mua hàng hóa với giá hợp tình, hợp lý và mua được hàng hóa đạt chất lượng mình muốn, chọn hàng hóa tốt từ hồ sơ thầu mà không vi phạm. Nhưng khó nhất hiện nay là giám đốc các bệnh viện không thể biết hết các loại giá của hàng hóa đấu thầu tập trung, chủ yếu các loại giá này được trình từ những phòng, ban cấp dưới. Khi giá hàng hóa mua sắm đấu thầu tập trung mà đắt, các giám đốc bệnh viện phải giải trình.

GS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội