Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định cho biết: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, trong đó các chính sách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã giúp nông nghiệp nước ta đạt nhiều thành tích đáng kể. Năng suất và sản lượng tăng góp phần hoàn thiện mục tiêu quốc gia về an ninh lương thực, giảm nghèo, ổn định xã hội và thương mại.
Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản - lương thực hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận thấp trong các nông hộ nhỏ, chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm không ổn định và thậm chí còn ở mức thấp, giá trị gia tăng thấp. Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chưa cao.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho rằng, hiện nay việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất của người nông dân còn nhiều rào cản, nút thắt cần được tháo gỡ. Trong đó việc tích tụ, tập trung ruộng đất vẫn là khâu khó nhất hiện nay. TP cần có những văn bản hướng dẫn rất cụ thể, tạo cơ chế, chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất cho các hộ, doanh nghiệp, HTX đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp.
Trong khi đó, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân Hoàng Thị Hậu cho rằng, muốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Bởi con người tham gia vào tất cả các khâu. Nếu người đứng đầu đơn vị không chủ động thay đổi tư duy thì khó có thể thành công. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuỗi liên kết để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Chia sẻ với những khó khăn của người nông dân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Điều phối nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho biết: Trong những năm qua, TP dành sự ưu tiên đặc biệt cho nông nghiệp công nghệ cao. Điều đó được thể hiện qua hàng loạt chủ trương, chính sách như đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như Nghị quyết số 25, Nghị quyết số 10, Quyết định số 390…
Hiện Hà Nội đã thực hiện dồn điền đổi thửa được gần 7.900ha, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ cao. Trên địa bàn TP đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, khu nông nghiệp công nghệ cao với nhiều mô hình đạt hiệu quả cao. Điển hình như mô hình sản xuất hoa lan, hoa ly cho doanh thu từ 1,2 - 5 tỷ/ha; mô hình trồng cam đạt 400-500 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, sản lượng thực phẩm mới đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn. Các mô hình còn phân tán, thiếu tập trung, kỹ thuật và công nghệ còn hạn chế, vì thế mà sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường đô thị cả về khối lượng và chất lượng các nông sản phẩm.