Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội gỡ rào cản đầu tư vào nông nghiệp

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hướng tới mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nhanh và bền vững, Hà Nội đang nỗ lực tháo gỡ những rào cản và triển khai nhiều chính sách hấp dẫn nhằm thu hút DN, hợp tác xã (HTX) đầu tư vào lĩnh vực này.

Vẫn thiếu quỹ đất sạch cho doanh nghiệp
Thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã xây dựng và phát triển được 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm. Hầu hết các chuỗi, mô hình này do DN và HTX đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế, trong đó có nhiều mô hình đem lại hiệu quả cao, như: Trồng rau hữu cơ cho thu nhập 2 - 3 tỷ đồng/ha/năm; trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập 0,5 - 2 tỷ đồng/ha/năm…
Nhiều năm đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội Võ Việt Dũng chia sẻ, là đơn vị đầu tư sâu về chế biến thịt lợn, mỗi tháng Công ty cung cấp khoảng 300 tấn thịt lợn ra thị trường. Để duy trì sản lượng, Công ty đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ với các HTX chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội. Còn theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh) Lê Văn Tám, để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, HTX đã chủ động sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, chất lượng cao, bằng cách liên kết với các hộ nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ trong nhà màng.
 Nuôi cấy đông trùng hạ thảo tại Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc (huyện Thanh Oai)
Tuy nhiên, thực tế việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội vẫn đang gặp không ít rào cản. Nguyên nhân chính là do các DN, HTX khó khăn về nguồn vốn và quỹ đất. Hà Nội có tốc độ đô thị hóa cao nên việc thuê đất sản xuất nông nghiệp càng gặp nhiều khó khăn. “Để triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, TP đã có cơ chế, chính sách thu hút DN đầu tư. Song, khó khăn nhất của TP là quỹ đất sạch cho DN; một số DN cần quỹ đất 100 - 150ha, điều này rất khó với Hà Nội. Không có quỹ đất thì DN không thể đầu tư lớn, nên quy mô chủ yếu từ vài hécta đến 10ha” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường phân tích.
Nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn
Để tạo cơ chế hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, giải quyết bài toán quỹ đất nhỏ hẹp, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến nông sản, Hà Nội cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, đặc biệt chú trọng và bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được chỉ rõ tại Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”.
 Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao của HTX sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng) cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đối với vấn đề quỹ đất, Hà Nội đã quy hoạch 9 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hệ thống các khu kinh tế hỗ trợ nhằm tạo cơ sở, nền tảng sản xuất cho DN. Bên cạnh đó, TP đã quy hoạch vùng sản xuất để tạo vùng nguyên liệu thu hút DN đầu tư. Chẳng hạn như: Quy hoạch vùng sản xuất chuối xuất khẩu tại Ba Vì; vùng lúa chất lượng cao tại Thanh Oai; vùng chuyên canh hoa tại Mê Linh… Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng chủ động phối hợp với các địa phương triển khai theo phương thức nông dân góp đất, DN chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Về vấn đề nguồn vốn, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục vận dụng các chính sách hỗ trợ từ chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn để giúp DN, HTX tiếp cận thêm nguồn vốn. Đơn cử từ đầu năm đến nay, Quỹ Khuyến nông TP đã hỗ trợ thẩm định, giải ngân vốn cho 37 phương án, dự án vay với số tiền hơn 13,6 tỷ đồng. Mặt khác, Hà Nội sẽ hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hỗ trợ hạ tầng đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao.