Những đóng góp ấy đã được ghi vào lịch sử của đất nước và lịch sử Thủ đô, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô.
"Chia lửa" với chiến trường Điện Biên Phủ
Theo Thiếu tướng Lê Như Đức - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội, năm 1954, cùng “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã tổ chức hàng nghìn trận đánh lớn, đánh nhỏ ở các huyện ngoại thành, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực, vũ khí, khí tài của địch.
Điển hình như trận tập kích sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, phá hủy máy bay và nhiều kho nhiêu liệu của địch, góp phần làm suy yếu sự chi viện bằng đường không của địch cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Bằng nhiều hình thức khác nhau, quân và dân Thủ đô đã có nhiều hoạt động tuyên truyền cách mạng, đấu tranh phản kháng chế độ thực dân như biểu tình, bãi khóa, đấu tranh chống bắt lính, đấu tranh đòi quyền lợi... và nhiều hoạt động bí mật khác.
Đồng thời, đưa trên 5.900 thanh niên nam, nữ vào quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, tham gia chiến đấu trên các chiến trường từ Chiến dịch Biên giới, đến Thượng Lào, Hạ Lào… Trong đó, có 1.697 người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến ngày toàn thắng.
Các tư liệu lịch sử đã ghi lại, từ khi thực dân Pháp xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ thì sân bay Gia Lâm trở thành căn cứ hành quân, hậu cần cho tập đoàn cứ điểm này. Máy bay của địch từ các sân bay như: Gia Lâm (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng)… cất cánh tiếp viện vũ khí, đạn dược, chở quân, lương thực… đến chiến trường Điện Biên.
Chính vì vậy, Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội hạ quyết tâm vượt mọi khó khăn tập kích vào đây, nhằm phá hủy nhiều máy bay và cơ sở vật chất kỹ thuật của địch, tiêu diệt sinh lực địch, làm gián đoạn cầu hàng không Gia Lâm - Điện Biên Phủ. Đồng thời gây tiếng vang về chính trị, làm hoang mang tinh thần địch.
Đầu tháng 3/1954, trong khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đang bị ta bao vây và chuẩn bị nổ súng tiêu diệt, mặt trận Hà Nội quyết định đánh sân bay Gia Lâm, đồng thời vận động binh lính địch đảo ngũ, vận động trí thức đòi lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Hoạt động của sân bay trong nhiều ngày sau đó đã bị đình trệ, góp phần làm gián đoạn cầu hàng không, gây nhiều khó khăn cho địch trong việc tiếp tế, ứng cứu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Tiếp tục "chia lửa" với mặt trận Điện Biên Phủ, chiều 4/4/1954, quân và dân huyện Gia Lâm lại đánh thắng một trận vang dội trên đường 5, lật nhào một đoàn tàu 13 toa chở quân lương, quân trang và vũ khí của địch từ Hải Phòng về Hà Nội.
Cuối tháng 4/1954, giữa lúc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đang bị vây hãm nguy ngập, công nhân Sở Binh lương Hà Nội đốt kho làm cháy hàng nghìn chiếc dù gây cho địch nhiều khó khăn trong việc tiếp tế cho Điện Biên Phủ…
Cùng với đó, để phối hợp với chiến trường chính, Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh hoạt động phá hoại kho vũ khí, xăng, dầu, quân trang, quân dụng, trại lính, những chuyến tàu chở quân của địch.
Theo tư liệu được ghi trong Lịch sử Đảng bộ TP Hà Nội (1930 - 2000), thực hiện các nghị quyết Hội nghị cán bộ vùng địch hậu, Hội nghị công vận vùng địch tạm chiếm của T.Ư, Thành ủy Hà Nội đã đề ra nhiều chủ trương chỉ đạo cụ thể, trong đó có phát huy các chiến thắng của ta trên các mặt trận, vạch trần âm mưu “hoàn bị độc lập” giả dối của địch.
Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa phong trào đấu tranh của quần chúng, kiên quyết chặn tay địch, không cho chúng bắt người, cướp của ném ra mặt trận; quyết tâm thực hiện bằng được công tác phá hoại địch về quân sự để phối hợp với chiến trường chính.
Trước thất bại liên tiếp của địch ở Điện Biên Phủ, Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh công tác địch vận, tuyên truyền tin chiến thắng của ta, tán phát hàng vạn giấy thông hành, truyền đơn kêu gọi binh lính địch đào ngũ trở về nhà.
Nhiều tên tự thương để được ở lại Hà Nội hoặc trốn về với gia đình, nhiều đơn vị địch vừa đi càn ở đồng bằng về thoái thác tập thể, lấy cớ “không được nghỉ ngơi để không đi”… đã có tác dụng kìm hãm lực lượng địch ở hậu phương, gây nhiều khó khăn cho địch trong việc ứng cứu, chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ…
Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Trong chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đó, có đóng góp quan trọng của mặt trận
Hà Nội. Đối với Thủ đô Hà Nội, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề đi đến sự kiện Giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954.
Hợp tác cùng phát triển
Trong mỗi thời kỳ phát triển, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Hà Nội và tỉnh Điện Biên đã có nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm và triển khai nhiều lĩnh vực công tác phù hợp với thế mạnh của mỗi địa phương.
Trong đó, TP đã hỗ trợ kinh phí ủng hộ quỹ xóa đói giảm nghèo và nhiều công trình an sinh, phúc lợi khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Đặc biệt, trên tinh thần hướng về giáo dục Điện Biên, lần lượt những công trình do Hà Nội hỗ trợ đầu tư được ra đời: năm 2011, hỗ trợ 2,4 tỷ đồng để đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, hỗ trợ 3 tỷ đồng đầu tư nhà Ban Giám hiệu Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh; năm 2012, hỗ trợ 9,989 tỷ đồng đầu tư xây dựng Trường Mầm non số 2 Sam Mứn, huyện Điện Biên; năm 2014, hỗ trợ 9,935 tỷ đồng để đầu tư xây dựng Trường Tiểu học Sín Thầu, huyện Mường Nhé…
Trong đó, Trường Tiểu học Hà Nội – Điện Biên Phủ được TP Hà Nội hỗ trợ đầu tư xây dựng vào năm 1984, chào mừng kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và tiếp tục được hỗ trợ nâng cấp vào năm 2004.
Năm 2024, TP Hà Nội tiếp tục hỗ trợ 65 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trường. Đây là công trình được đầu tư đồng bộ, hiện đại; có kiến trúc xây dựng đẹp, là điểm nhấn trong hệ thống các trường học trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đồng thời thể hiện tình hữu nghị giữa hai địa phương.
Hàng năm, các “Tuần Văn hóa Du lịch Điện Biên” tại Hà Nội đã được tổ chức. Đồng thời, hai địa phương cũng phối hợp ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với nhiều hoạt động hiệu quả.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ tháng 10/2019 đến nay, TP Hà Nội đã phối hợp với tỉnh Điện Biên phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền; tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.
Mối quan hệ hợp tác đã trở thành truyền thống, đang tiếp tục thắp lên ngọn lửa nghĩa tình, để Hà Nội – Điện Biên cùng nhau hướng đến hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.
Hà Nội với Điện Biên, Điện Biên với Hà Nội gắn bó bền chặt. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, các chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, trong đó có nhiều người con của Thủ đô ở lại Điện Biên chuyển sang mặt trận sản xuất, trở thành những người lãnh đạo, công dân, người chiến sĩ trên mặt trận nông nghiệp, lâm nghiệp, tiếp tục xây dựng Điện Biên. Ngày hôm nay, cánh đồng Mường Thanh trở thành cánh đồng nổi tiếng là nhờ có sự đóng góp to lớn của những chiến sĩ bộ đội, của những người Hà Nội tham gia chung sức xây dựng Điện Biên sau chiến tranh, trở thành mảnh đất trù phú và có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường