Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội hạn chế đơn thư khiếu nại nhờ công tác hòa giải

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/11, chung kết Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III do Bộ Tư pháp tổ chức được tiến hành với sự tham gia của 12 đội thi xuất sắc nhất đại diện cho 3 khu vực: miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam.

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu – Trưởng Ban tổ chức hội thi cho biết, cách đây 3 năm, ngày 9/11 được chính thức công bố là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội.
Đến nay, có thể khẳng định Ngày Pháp luật Việt Nam đã đi vào cuộc sống, trở thành ngày hội của toàn dân, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và các tầng lớp Nhân dân, qua đó đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước. Ngày Pháp luật đang được các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương hưởng ứng tích cực với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả như tổ chức đối thoại chính sách pháp luật giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp; tổ chức ngày hội pháp luật, ngày hội an toàn giao thông; thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức trò chơi rung chuông vàng…
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại lễ khai mạc Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III. Ảnh: Thái San.
Mới đây, Bộ Tư pháp cùng Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phát động cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến cho học sinh THPT. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đúc kết và nhân rộng các cách làm hiệu quả, tiếp tục tham mưu, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện thật tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật, gắn với đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III điểm nhấn quan trọng trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm nay. Đây là dịp để phát hiện, biểu dương các hòa giải viên xuất sắc, tạo cơ hội cho các hòa giải viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, bổ sung kiến thức, trau dồi kỹ năng, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của công tác hòa giải trong cộng đồng…
Qua các Hội thi khu vực tại tỉnh Ninh Bình, TP Đà Nẵng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chọn được 12 đội thi xuất sắc nhất vào chung kết. Theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, trong công tác hòa giải, nếu hòa giải thành thì không có kẻ thắng, người thua mà các bên đều thắng. Vì vậy, 12 đội phải cố gắng thể hiện hết mình và để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem để Hội thi tiếp tục lan tỏa sâu, rộng trong xã hội.
Tỷ lệ hòa giải thành đạt khá cao
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, công tác hòa giải ở cơ sở sau 2 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 ngày càng tiến bộ, tỷ lệ hòa giải thành đạt khá cao. Công tác này đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn mái ấm gia đình, tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng và toàn xã hội. Hội thi đã được hưởng ứng tích cực, tạo được tiếng vang, sức lan tỏa rộng lớn trong dư luận xã hội và người dân.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hòa giải, tăng cường nhận thức của xã hội về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, thực hiện thật tốt Luật Hòa giải ở cơ sở với trọng tâm là củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ hòa giải, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên; huy động các cá nhân có năng lực, uy tín, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải.
Hà Nội hạn chế đơn thư nhờ công tác hòa giải
Hà Nội vinh dự là nơi được Bộ Tư pháp chọn tổ chức chung kết Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III. Phát biểu chào mừng hội thi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong những năm qua, công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, phòng ngừa tội phạm ở cơ sở. Các hòa giải viên của Thủ đô thực sự là những tuyên truyền viên đưa pháp luật vào cuộc sống, giúp Nhân dân hiểu và chấp hành đúng các quy định của pháp luật.
 Phần thi đội Hà Nội
Nhấn mạnh UBND TP Hà Nội xác định nhiệm vụ quản lý công tác hòa giải ở cơ sở là quan trọng và luôn quan tâm đến công tác này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thi của Bộ Tư pháp, tạo cơ hội quý giá để các hòa giải viên xuất sắc khắp mọi miền Tổ quốc được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng, kiến thức hòa giải cơ sở, và đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật.
Nâng cao kiến thức pháp luật
Ngay sau lễ khai mạc, 12 đội thi bước vào cuộc đua, chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm gồm 4 đội dựa trên các tiêu chí: Có đại diện của các khu vực và kết quả dự thi vòng sơ khảo của các đội. Theo đó, các nhóm thi như sau: Nhóm 1 gồm 4 đội Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội; Nhóm 2 gồm 4 đội Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Bình, Nghệ An và Tiền Giang; Nhóm 3 gồm 4 đội Bắc Giang, Đồng Nai, Sơn La và Lâm Đồng. Các đội thi bốc thăm để xác định thứ tự thi trong nhóm; phần thi của mỗi đội được thực hiện theo thứ tự từ thấp đến cao trong nhóm. Số thứ tự của nhóm là số thứ tự của bộ câu hỏi lý thuyết do Ban Tổ chức Hội thi đưa ra.
Ở phần thi giới thiệu, các hòa giải viên đã thể hiện được khả năng của mình thông qua các hình thức phong phú như múa, hát, diễn xuất. Từ đó, giới thiệu những đặc trưng văn hóa, kinh tế, xã hội và công tác hòa giải ở cơ sở của địa. Nhiều đội thi có màn giới thiệu, chào hỏi tạo ấn tượng khó quên đối với người xem.
Trong phần thi lý thuyết, các đội trả lời 7 câu hỏi trắc nghiệm và đưa ra phương án hòa giải qua xem 1 clip về mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột thuộc phạm vi hòa giải. Nội dung thi mang tính toàn diện, đòi hỏi các hòa giải viên phải có kiến thức tổng hợp về quy định pháp luật liên quan đến Hiến pháp năm 2013, Luật Hòa giải ở cơ sở, pháp luật về đất đai, dân sự, hình sự, xử lý vi phạm hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, hòa giải viên cũng cần có hiểu biết về xã hội, đạo đức, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và địa phương, đồng thời thể hiện được kỹ năng hòa giải.
Các phần thi tình huống dưới hình thức sân khấu hóa đã trực tiếp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân một cách dễ hiểu, dễ nhớ, phản ánh đời sống thực tiễn, pháp luật của người dân ở cơ sở, có ý nghĩa giáo dục cao, phục vụ rất tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở. Đây cũng là dịp để các hòa giải viên có dịp học hỏi, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải và trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong công tác hòa giải ở cơ sở.